Sự kiện

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023

Hà Nội tham gia Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Trưng bày, giới thiệu hình ảnh, hiện vật, tư liệu di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được UNESCO ghi danh; trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội, trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch của  Hà Nội.

Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng 2023 tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Liên hoan diễn ra từ 21 đến 24/4/2023, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố có di sản được UNESCO ghi danh, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk…

Tham gia Liên hoan, Hà Nội sẽ trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ca trù vào các ngày 21, 22, 23, 24/4, với sự tham gia của giáo phường Thái Hà, quận Tây Hồ và giáo phường Lỗ Khê, huyện Đông Anh. Cùng với đó, vào ngày 23/4, sẽ trình diễn trích đoạn Hội Gióng của đền Phù Đổng, gồm: Múa hát Ải Lao, ông Hiệu cờ, ông Hiệu trống, Cô tướng đốc, Cô tướng ngựa, chuẩn bị mâm cỗ khao quân. Vào ngày 24/4, Hà Nội tiếp tục giới thiệu tới đồng bào và du khách di sản văn hóa phi vật thể Hội Gióng đền Sóc, với màn trình diễn 7 lễ rước, trong đó có lễ rước hoa tre với số lượng 2.000 giò hoa tre – nét đặc trưng riêng có của lễ hội…

Trình diễn ca trù

Bên  cạnh đó, từ 21/4 đến 29/4, Hà Nội còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác: Trưng bày, giới thiệu hình ảnh, hiện vật, tư liệu di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được UNESCO ghi danh; trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội, trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch của  Hà Nội… Trong đó, tại không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, hiện vật, tư liệu di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được UNESCO ghi danh, Hà Nội sẽ giới thiệu nghệ thuật trình diễn ca trù và Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Qua đó nhằm góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa tiêu biểu trong các di sản đã và đang được Hà Nội trân trọng gìn giữ.

Ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam, với nét độc đáo là sự phối hợp đa dạng, tinh tế, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc. Trải qua nhiều thăng trầm, ca trù có những thời điểm đứng trước nguy cơ bị mai một, song nhờ vào những nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản, ca trù đã và đang có những bước hồi sinh mạnh mẽ. Đặc biệt kể từ năm 2009, khi ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản cần bảo vệ khẩn cấp, những chương trình, hành động nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ di sản được triển khai rộng khắp tại 15 tỉnh, thành có di sản, trong đó Hà Nội là một trong những địa phương có những hành động chủ động, quyết liệt và mạnh mẽ.

Từ một vài giáo phường hoạt động cầm chừng, đến nay Hà Nội đã có 16 nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt, biểu diễn đều đặn; hơn 50 người có khả năng truyền dạy, trong đó có 8 Nghệ nhân Nhân dân, 24 Nghệ nhân Ưu tú… cùng hàng trăm người theo học; lưu giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới…, trở thành điểm sáng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù trên cả nước.

Lễ rước hoa tre tại Hội Gióng đền Sóc

Ảnh: Quang Quyết

Trong khi đó, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010, với sự ghi nhận là một di sản “ăn sâu” vào đời sống cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục.

Hội Gióng đền Phù Đổng

Theo đó, hằng năm, Hội Gióng được tổ chức ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, trong đó Hội Gióng ở đền Sóc, tương truyền là nơi Thánh Gióng về trời, diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng, với các nghi lễ rước hương hoa oản phẩm, giò hoa tre, voi chiến, cầu húc…; Hội Gióng ở đền Phù Đổng, tương truyền là nơi sinh ra Thánh Gióng, diễn ra từ mùng 8 đến mùng 9 tháng 4 âm lịch. Tại Lễ hội tái hiện một kịch trường sống động, nổi bật với các màn diễn xướng dân gian đặc sắc, các đoàn rước, các trận đánh ước lệ ở bãi Đống Đàm, Soi Bia…

Nguyễn Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *