Văn hóa cơ sở

Triển khai xây dựng mô hình “Nhà văn hoá thôn thông minh” giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn huyện Thanh Oai

Huyện Thanh Oai đặt mục tiêu: Năm 2024, triển khai thành công tối thiểu 4 mô hình “Nhà văn hoá thông minh” trên địa bàn các xã, thị trấn (mỗi cụm kinh tế xây dựng 1 mô hình). Từ năm 2025, triển khai nhân rộng mô hình đến các Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, đảm bảo tối thiểu 1 mô hình Nhà văn hoá thôn thông minh/1 xã, thị trấn…

UBND huyện Thanh Oai xây dựng Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 15/7/2024 về việc triển khai xây dựng mô hình “Nhà văn hoá thôn thông minh” giai đoạn 2024- 2025 trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Huyện Thanh Oai triển khai xây dựng mô hình “Nhà văn hóa thôn thông minh” hướng tới xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh

Theo đó, Kế hoạch nhằm cụ thể hoá một số mục tiêu tại Kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh trên địa bàn huyện Thanh Oai; tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số tại các khu sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân trên địa bàn. Kết nối Nhân dân trên địa bàn và Nhân dân với chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của huyện Thanh Oai. Xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và Nhân dân địa phương.

Huyện Thanh Oai đặt mục tiêu: Năm 2024, triển khai thành công tối thiểu 4 mô hình “Nhà văn hoá thông minh” trên địa bàn các xã, thị trấn (mỗi cụm kinh tế xây dựng 1 mô hình). Từ năm 2025, triển khai nhân rộng mô hình đến các Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, đảm bảo tối thiểu 1 mô hình Nhà văn hoá thôn thông minh/1 xã, thị trấn.

Xây dựng nhận diện mô hình và các nội dung: Thiết kế phông nhận diện trên màn hình Led điện tử, treo tại lối vào hoặc mặt tiền của Nhà văn hoá; kích thước: cao 60 cm x dài 450 cm; kiểu loại màn hình điện tử Led ma trận, chữ chạy. Ngoài chức năng để nhận diện mô hình, màn hình Led là nơi tuyên truyền, thông tin các nội dung quan trọng của thôn/tổ dân phố đến Nhân dân.

Tiêu chí chung: Khu vực bên trong Nhà văn hoá có tối thiểu 2 bộ máy tính, trong đó cớ 1 bộ máy tính phục vụ hoạt động của Nhà văn hoá thôn và 1 bộ máy tính phục vụ cho công dân. Có hệ thống phát wifi miễn phí cho Nhân dân truy cập internet tại khu vực Nhà văn hóa. Được trang bị 1 bộ máy chiếu và màn chiếu phục vụ hoạt động của Nhà văn hoá. Được trang bị 1 cụm loa phát thanh không dây ứng dụng công nghệ CNTT-VT. Thành lập khu vực thư viện gồm: Khu vực Thư viện số cộng đồng tại Nhà văn hoá thôn với tối thiểu 200 đầu sách được mã hoá bằng mã QR-code (sách điện tử) tại các lĩnh vực khác nhau phục vụ nhu cầu đọc, tìm kiếm của người dân trong thôn. Khu vực Thư viện truyền thống với các đầu sách tại các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

Khu vực khuôn viên Nhà văn hóa được trang bị hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng ánh sáng năng lượng mặt trời. Trang bị hệ thống giám sát Camera an ninh, tối thiểu 4 mắt camera. Được trang bị tối thiểu 5 bộ dụng cụ tập thể dục ngoài trời phục vụ nhu cầu thể dục thể thao của Nhân dân. Trang bị tối thiểu 2 thùng rác phân loại rác thải; 2 nhà khung kích cỡ (cao: 200cm x rộng: 80 cm x dài: 150cm) đựng chất thải nhựa/chất thải tái chế.

UBND huyện Thanh Oai yêu cầu việc xây dựng mô hình “Nhà văn hoá thôn thông minh” phải đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, chất lượng, hiệu quả, bám sát mục tiêu, yêu cầu đã đề ra; tạo nơi sinh hoạt cộng đồng bổ ích, lý thú và gắn kết Nhân dân trên địa bàn. Việc thực hiện mô hình phải được từng bước nhân rộng trên phạm vi toàn huyện với đẩy mạnh thực hiện đồng bộ của các cấp, các ngành và cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị có liên quan và Nhân dân trên địa bàn huyện./.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *