Vở diễn Cánh diều làng Vũ Đại nói lên khát vọng được làm người lương thiện của con người nói chung, nhân vật Chí Phèo nói riêng trong xã hội thực dân phong kiến…
Cánh diều làng Vũ Đại là vở diễn mới của Nhà hát Chèo Hà Nội sắp được công diễn. Vở diễn còn có tên gọi khác: Tình và Say. Vở diễn dựa theo tác phẩm truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Tác giả kịch bản: Lê Chí Trung. Chuyển thể chèo: Mai Văn Sinh. Đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn. Âm nhạc : Phạm Hùng Cường. Thiết kế mỹ thuật: Văn Thành. Biên đạo múa: Thạc sỹ Hoài Anh. Biên tập và hướng dẫn hát: NSND Minh Thu. Phục trang: Khắc Huy. Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Thu Huyền.
Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sỹ chèo Hà Nội: NSƯT Hoài Thu, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Phương Mây, NSƯT Hồng Nam; các nghệ sĩ: Quốc Phòng, Thu Hoà, Xuân Huynh, Duy Biên, Thu Hà… cùng tập thể nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công, kỹ thuật viên Nhà hát Chèo Hà Nội.
Vở diễn Cánh diều làng Vũ Đại nói lên khát vọng được làm người lương thiện của con người nói chung, nhân vật Chí Phèo nói riêng trong xã hội thực dân phong kiến. Xã hội thời đó đầy rẫy bất công, phận người nhỏ bé và luôn bị áp bức, đè nén. Chí Phèo và Thị Nở là đại diện tiêu biểu trong xã hội ấy.
Ở một làng quê nông thôn vùng Bắc bộ, cả Chí và Nở đều có mơ ước, khát khao sự đổi thay, mơ ước cuộc đời mới tốt đẹp hơn, như cánh diều no gió bay trên bầu trời cao xanh. Hai con người bé nhỏ: Một tù tội, một dở hơi mà vẫn có những ước mơ đẹp. Tao muốn được làm người lương thiện, tao muốn lương thiện – đó là câu nói thường trực trên môi Chí.
Tác giả kịch bản đã sáng tạo lên hình ảnh cánh diều trong vở diễn, nằm ngoài tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Cánh diều là hình ảnh rất đỗi quen thuộc ở nông thôn. Cánh diều gắn bó với người nông dân, nó không chỉ là thú chơi tao nhã, hấp dẫn trong những ngày hè của họ mà cánh diều còn là biểu tượng cho ước mơ tự do của Chí – Nở và những người dân làng Vũ Đại và nông dân Bắc bộ trong thời kỳ ấy.
Vở diễn cũng ca ngợi tình yêu đôi lứa của Chí và Nở. Tình yêu ấy được hòa quện trong những ước mơ của mối tình kỳ dị này, khiến người xem vừa cảm động vừa day dứt.
Không chỉ nói về những ước mơ, khát vọng của người nông dân qua hình ảnh cánh diều, qua những nhân vật cụ thể như Chí Phèo, Thị Nở, bà cô Thị nở…Vở diễn còn thể hiện thành công một dự báo về sự thay đổi sắp tới của xã hội – đó là cuộc cách mạng sắp nổ ra, do những người nông dân đứng lên thực hiện.
Vở diễn Cánh diều làng Vũ Đại được xây dựng theo phong cách bi – hài, hòa trộn nhuần nhuyền giữa khát vọng, ước mơ của người nông dân với tình yêu đôi lứa, xen kẽ vào đó là những hình ảnh, câu đối đáp dí dỏm, gây cười của bà cô Thị Nở, Bá Kiến, là hình ảnh say sưa của Chí Phèo, là sự ngây ngô của Thị Nở, là niềm khát khao tình yêu của bà Ba, là hình ảnh dữ dằn, ngang ngược của Lý Cường…nên rất hấp dẫn. Các nhân vật được các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo thể hiện rất thành công qua vai diễn và những làn điệu chèo.
Vở diễn đã được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và chuẩn bị công diễn trong tháng 3/2023 này.
Thanh Quy