Hà Nội đẹp

Suốt đời là người lính

Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bác Sơn đã vào bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp, được biên chế ở Tiểu đoàn 392, Trung đoàn 367, đơn vị pháo phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Chín năm làm một Điên Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng

70 năm đã trôi qua, thiên sử vàng ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Vào những ngày tháng 5 này, cả nước đang sôi nổi không khí Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), trong ngôi nhà của bác Phạm Sơn, phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung , quận Thanh Xuân luôn rộn ràng tiếng cười, tiếng trò chuyện. Mặc dù đã ở tuổi ngoài 90, sức khỏe không tốt lắm, tai hơi nghễnh ngãng, phải nói to mới nghe thấy, nhưng bác Sơn vẫn rất nhiệt tình kể chuyện về những kỷ niệm thời chiến tranh, mỗi khi có đoàn khách đến thăm.

Bác Phạm Sơn, sinh năm 1930 tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. 14 tuổi bác đã tham gia hoạt động cách mạng, là chiến sĩ liên lạc, giao thông của Ủy ban kháng chiến tỉnh Hưng Yên. 18 tuổi, bác Sơn được kết nạp Đảng, nay đã là hơn 75 năm tuổi Đảng. Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bác Sơn đã vào bội đội, tham gia kháng chiến chống Pháp, được biên chế ở Tiểu đoàn 392, Trung đoàn 367, đơn vị pháo phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tiểu đoàn của bác Sơn là 1 trong 3 tiểu đoàn pháo được phân công nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài của lòng chảo Điện Biên, ngăn chặn sự tấn công và tiếp tế bằng đường không của địch, giữ gìn thông suốt huyết mạch giao thông để quân đội và dân công vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm vào chiến trường thuận lợi, phục vụ chiến đấu. Khẩu pháo 37 ly là vũ khí tuy nhỏ, nhưng lợi hại, cơ động, rất tiện cho bác Sơn và đồng đội di chuyển liên tục đến các trận địa, bảo vệ kịp thời các đỉnh đồi, các đèo và tuyến giao thông.

Bác Sơn sống giản dị giữa đời thường cùng gia đình

Bác Sơn vẫn nhớ những lần di chuyển trận địa, băng qua quãng đường dài, qua rừng, có khi lội suối sâu, rất vất vả. Để đảm bảo an toàn và bí mật, bác và đơn vị thường phải hành quân tức tốc, vào ban đêm.

Những kỷ niệm của chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm rồi mà bác Sơn vẫn còn nhớ lắm, nhớ nhất là những lần bác cùng đồng đội bắn rơi máy bay địch.

Một kỷ niệm mà bác Sơn không quên, đó là khi cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt, bác nhận lệnh ngăn chặn máy bay địch đánh phá, cản đường quân ta tiến vào lòng chảo Điện Biên. Khi ấy, bác nhìn thấy một tốp 2 chiếc  máy bay trinh sát đang bay, bác cùng đồng đội dùng khẩu pháo 37 ly bắn liền một lúc 2 chiếc, từ chiếc đi sau cho đến chiếc đi trước. Rồi nữa, là kỷ niệm bác bắn rơi 2 chiếc máy bay L19 bay qua trận địa, không cho chúng thực hiện thành công việc tiếp tế, đánh phá…

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, bác Sơn và đồng đội đã bắn rơi được 19 chiếc máy bay, cá nhân bác bắn rơi được 4 chiếc. Những thành tích đó của bác Sơn và đồng đội đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu năm 1954.

Từ năm 1955, bác Sơn về công tác tại Quân chủng Phòng không Không quân, cho đến khi nghỉ hưu. Bác là Đại tá, Phó tham mưu trưởng của Quân chủng, cục Trưởng Cục Phòng không lục quân.

Những kỉ vật và chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Chiến sĩ Ưu tú được bác Sơn giữ gìn suốt 70 năm qua

Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt, bác Sơn lại nhận lệnh của cấp trên, kéo pháo đi khắp các chiến trường, từ Khe Sanh đến đường 9 Nam Lào,  chiến trường Vĩnh Ninh, Quảng Bình, chiến trường Tây Nguyên, Sài Gòn.

Chiến tranh Bảo vệ biên giới năm 1979, bác Sơn lại cùng những khẩu pháo 37 ly đi chiến đấu ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang v.v.

Trong câu chuyện với khách, bác Sơn không giấu khỏi niềm tự hào vì đã trải qua 3 cuộc kháng chiến của đất nước, đặc biệt bác đã 2 lần được cùng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô và vào tiếp quản Sài Gòn. Hơn 40 năm chinh chiến, bảo vệ Tổ quốc, bác Sơn đã trải qua bao vui buồn, vinh quang, cả những đau buồn, xa xót khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, để đất nước có được nền độc lập, hòa bình như hôm nay.

Bác Sơn đã được Đảng, nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, trong đó có Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ năm 1954.

Năm 1991, sau khi về hưu, sống và sinh hoạt ở phường Khương Trung, bác Sơn còn dành nhiều năm tham gia các hoạt động của địa phương, góp phần xây dựng địa phương thêm vững mạnh, phát triển.

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân thăm và tặng quà bác Sơn (ở giữa)- chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Bác Sơn và gia đình

Trong cuộc sống gia đình, bác Sơn là một người chồng, người cha, người ông gương mẫu, sống giản dị, đạm bạc. Bác bảo mình là chiến sĩ thì suốt đời phải sống như một người chiến sĩ, luôn giữ vững phẩm chất và hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Gia đình bác Sơn có 3 người con thì cả 3 đều tham gia vào quân đội, trong đó người con trai theo nghiệp cha, hiện anh đang công tác trong Quân chủng Phòng không, không quân.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *