Tin ngành

Xác định lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng làm tiền đề phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô

Là thành phố tiên phong trong lĩnh vực đổi mới chính sách trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa.

Du lịch văn hóa là một trong những thế mạnh của Hà Nội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô
Trong những thập niên gần đây, công nghiệp văn hóa được xem là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, địa phương, đặc biệt là các đô thị và trở thành một kênh truyền dẫn quan trọng sức mạnh mềm văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Là thành phố tiên phong trong lĩnh vực đổi mới chính sách trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa.
Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn,… trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hình ảnh và gia tăng sức hấp dẫn, thu hút thế giới về văn hóa của Hà Nội, đặc biệt là việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco (UCNN). Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, công nghiệp văn hóa đang là mắt xích yếu trong chuỗi các giải pháp nhằm phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của thành phố.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về việc mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thủ đô có sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, với một số vùng văn hóa như văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam Thượng tạo nên sự đặc sắc, phong phú của văn hóa Thủ đô cả bề rộng lẫn chiều sâu; thu hút nhiều tài năng, tâm huyết của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội phát huy sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Xác định lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng làm tiền đề phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô
Trong những năm qua, tình hình trong nước và quốc tế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít những thách thức, khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, đặc biệt là Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, Hà Nội đã bước đầu đạt được những thành quả nhất định trên một số lĩnh vực:
Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố Hà Nội), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố Hà Nội). Đặc biệt, tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của thành phố Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 (chưa bao gồm phần doanh thu gián tiếp do khu vực nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian tạo ra), với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt cũng 192 triệu USD6 (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội).
Đối với ngành điện ảnh: Thành phố đã xây dựng Quy hoạch hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó phương án bố trí rạp chiếu phim theo hình thức xã hội hóa, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thủ tục về quy hoạch kiến trúc, lập phương án bố trí rạp chiếu phim tại một số khu vực tập trung đông dân cư. Hiện Hà Nội có 37 cụm rạp chiếu phim. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016 – 2020, các đơn vị thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức hơn 20.800 buổi chiếu phim, trong đó gần 14.600 buổi chiếu phim có thu, phục vụ hơn 2.150.000 lượt khán giả.
Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội. Đây là sự kiện văn hóa lớn diễn ra tại Thủ đô Hà Nội thu hút sự tham gia của gần 1.000 nghệ sỹ, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên xuất sắc đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; hàng trăm bộ phim đã được đề cử và tham gia tranh giải. Với khẩu hiệu “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững”, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội là cơ hội lớn để Việt Nam giới thiệu các tác phẩm điện ảnh đặc sắc của mình đến với nền điện ảnh quốc tế, từ đó góp phần cổ vũ tinh thần nhân ái, khuyến khích hợp tác giữa các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên vì sự phát triển thịnh vượng chung của nền điện ảnh thế giới.
Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn: Nghệ thuật biểu diễn là một ngành truyền thống của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam với nhiều loại hình biểu diễn như: Ca – múa – nhạc hiện đại, giao hưởng, hợp xướng, opêra, balê, kịch hát dân ca, kịch nói, tạp kỹ,vv… Hà Nội là địa phương có chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật có tính hệ thống và mang tính chuyên nghiệp cao. Hiện tại, Hà Nội có 6 đơn vị nghệ thuật hoạt động chuyên nghiệp. Trong 05 năm (từ 2016- 2020), 06 Nhà hát Nghệ thuật của Thành phố đã tổ chức hơn 12.000 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có hơn 1.800 buổi nghệ thuật biểu diễn phục vụ chính trị, doanh thu đạt 234,5 tỷ đồng. Ngoài ra Thành phố hiện có 11 đơn vị nghệ thuật Trung ương đóng trên địa bàn. Tại Hà Nội, nhiều chương trình tầm cỡ thế giới đã được tổ chức, có sự góp mặt của các ngôi sao đình; nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao được tổ chức, như Chương trình đếm ngược Coundown; chương trình “Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert”; Lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa”…

Hà Nội cần xác định rõ lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng làm tiền đề phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Trong tổng số 43.70412 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn của thành phố Hà Nội, có nhiều doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa đặc biệt là ở mảng thiết kế, thiết kế nội thất, thiết kế đô thị, thiết kế hội họa… Hà Nội cũng là nơi có cộng đồng và các nhóm sáng tạo ở hầu hết các lĩnh vực công nghiệp văn hóa…
Trong thời gian qua, Hà Nội với những thay đổi về thể chế đã tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, điện ảnh, thời trang, thiết kế, thủ công mỹ nghệ trong việc trở thành một ngành kinh tế, một kênh truyền dẫn hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội. Nhưng đối với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm thông qua lựa chọn các thành tố phù hợp tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút, hấp dẫn, lôi cuốn thị trường văn hóa trong và ngoài nước như một dạng chuyển hóa thành công của sức mạnh mềm văn hóa đã chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Để khắc phục những khó khăn trên, Hà Nội cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển theo định hướng chung là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của xã hội; Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuận tiện hơn trong công tác tổ chức, thực hiện; Đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa; Tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo. Đặc biệt, Hà Nội cần xác định rõ những lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm và đem lại kết quả nhất định, làm tiền đề và động lực để phát triển các lĩnh vực khác.

Thu Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *