Di sản

Tọa đàm cộng đồng “Nghi lễ và trò chơi Kéo co” 2020

Sáng 26/12/2020, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Nghi lễ và trò chơi kéo co 2020” nhân kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh Nghi lễ và trò chơi kéo co vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ –  Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

Mục tiêu của buổi tọa đàm nhằm phát huy, quảng bá và giới thiệu giá trị của Nghi lễ và trò chơi kéo co; tăng cường gắn kết giữa các cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu trao đổi ngày càng tăng của các cộng đồng thực hành di sản; đồng thời làm tiền đề cho việc thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam trong tương lai.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại vào năm 2015 với tư cách là đề cử đa quốc gia của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Namibia.

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản – Sở VHTT Hà Nội phát biểu tại tọa đàm

Ở Việt Nam, Nghi lễ và trò chơi Kéo co có mặt ở hầu hết khắp các vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ – vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt gắn với nền văn minh lúa nước. Di sản này được thực hành rộng rãi nhất ở các cộng đồng người Kinh các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội và các cộng đồng người Tày, Thái, Giáy tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Tuyên Quang, Lai Châu và Lào Cai.

Từ khi được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về Nghi lễ và trò chơi kéo co đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) – Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tích cực thực hiện với mục đích hỗ trợ cộng đồng kéo co trong việc nâng cao nhận thức công chúng nói chung và phát huy giá trị di sản này trong đời sống đương đại. Trong đó, nổi bật là các hoạt động hợp tác với thành phố Danjin (Hàn Quốc) thông qua Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các dự án nghiên cứu, xuất bản, hội nghị chuyên đề và giao lưu trình diễn.

Đại diện cộng đồng kéo co thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc trình bày tham luận tại buổi tọa đàm

Tuy nhiên, từ khi được vinh danh năm 2015 thì đến nay Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam mới có một buổi tọa đàm đầy đủ và đúng ý nghĩa với sự tham gia của các cộng đồng kéo co của nhiều địa phương. Thông qua 6 bản tham luận tại buổi tọa đàm, các địa phương đã tự giới thiệu về lịch sử của trò kéo co cùng những cái hay, nét đẹp, sự thú vị trong nghi lễ và trò chơi kéo co của cộng đồng mình. Chẳng hạn như: Trò kéo song ở Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là mô phỏng lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng; Kéo co ở thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc xuất phát từ dải yếm của nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh thời Hai Bà Trưng… Hay như kéo co của thôn Hữu Chấp, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh lại bắt nguồn từ việc cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… Điều đáng nói là các lễ hội kéo co thường diễn ra vào đầu năm mới gắn liền với nhiều nghi lễ, qua đó có thể thấy, kéo co không đơn thuần là trò chơi hay môn thể thao mà còn mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống của các cộng đồng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: Được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta không chỉ đại diện cho chúng ta mà còn đại diện cho dân tộc, cho thế giới để giữ gìn di sản văn hóa quý báu này. Hy vọng thời gian tới, các cộng đồng kéo co sẽ đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để chúng ta bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này.

Các đại biểu của cộng đồng kéo song thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tặng hoa cho Ban tổ chức

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện các cộng đồng kéo co mong muốn sẽ sớm có một CLB mạng lưới các cộng đồng kéo co để cùng nhau giao lưu, biểu diễn, trao đổi. Hiện tại trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đã ra đề án thành lập CLB mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam, với mục đích nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghi lễ và trò chơi kéo co, trao đổi, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trợn nghiệp chung.

Trong khuôn khổ toạ đàm, Ban Tổ chức giới thiệu không gian trưng bày mang tên “Nghi lễ và trò chơi kéo co” với 30 bức ảnh tái hiện lại hoạt động kéo co của các cộng đồng.

Hoàng Nam

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *