Chưa được phân loại

Làng nghề may Vân Từ

Làng nghề may mặc truyền thống Vân Từ, huyện Phú Xuyên từ lâu đã được coi là Đệ nhất may comple miền Bắc.

Làng nghề may Vân Từ có được như ngày nay là do thế hệ những người thợ đầu tiên của làng như ông Nguyễn Văn Hòa, Đào Thanh Dự, Nguyễn Lai… Họ là những người đã có công đem nghề làm comple-veston cũng như những kỹ thuật tinh xảo của nghề may về cho người dân và có được thương hiệu như hôm nay.
Người Vân Từ luôn tự hào là đã có hàng trăm năm tuổi. Ban đầu nghề may comple không phát triển ở Vân Từ, mà những người đàn ông khéo tay của làng đi đó đây, mang sự khéo léo của mình để làm nghề. Nhiều người trong số họ đã trụ lại ở Hà Nội, mở tiệm may ở phố Khâm Thiên, phố Bạch Mai hay phố Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Ngang…Khi ấy những bộ comple chỉ dành cho giới thượng lưu và người Pháp nên không phổ biến như bây giờ. Những hiệu may Toàn Thuận Anh, Toàn Thuận Em, Thuận Thịnh… trên phố cổ của Hà Nội khi ấy đều của ông chủ người làng Từ Thuận, Vân Từ. Thế rồi 1 thời gian sau, nghề may comple bị mai một do những yếu tổ khách quan và chủ quan của lịch sử. Yêu nghề, muốn giữ nghề, những người thợ của Vân Từ vẫn mang kéo, mang thước đi khắp nơi làm thuê hoặc tự mở những hiệu may âu phục.

Khoảng cuối thập niên 70, nghề may comple bắt đầu được khôi phục lại. Năm 1979 có cuộc thi tay nghề may ở Hà Nội. Người Vân Từ (khi ấy thuộc tỉnh Hà Tây cũ) háo hức kéo lên Thủ đô dự thi. Trong lần ứng thí đó, ông Nguyễn Văn Hòa chỉ mất 36 phút để may một chiếc áo sơ mi, nhanh hơn người về thứ hai gần 10 phút và đã đoạt giải “cây kéo vàng”. Trở về làng, cây k éo vàng ấy đã vận động nhân dân mở nghề may comple. Năm 1992, được chính quyền quan tâm, lớp thợ có bàn tay vàng trong xã đã hợp sức mở hai lớp dạy may complet cho thế hệ trẻ. Từ hai lớp học ban đầu với gần 70 học viên đó, nhiều thợ trẻ tài hoa của Vân Từ đã ra đời. Những hiệu may Duy Hùng, Thuận Đạt, Thuận Toàn, Thuận Hà… xuất hiện đầu tiên ở Vân Từ đã mở đường, đánh dấu sự hưng thịnh của nghề may comple ở đây. Thương hiệu comple Vân Từ ngày một lớn mạnh, được người tiêu dùng khắp cả nước biết và tìm đến.
Nay, xã Vân Từ có 10 thôn thì cả 10 thôn đều có nghề may, trong đó tập trung nhiều nhất ở làng Chung (khoảng 90%), làng Từ Thuận với trên 99% số hộ gia đình tham gia. Cả xã có khoảng trên 70% gia đình làm nghề may. Từ chỗ người Vân Từ làm hàng đại trà, hoặc nhận may gia công cho nhiều cửa hàng lớn ở Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ…đến nay nơi đây đã có một lớp chủ mới đứng đầu những hợp tác xã may, doanh nghiệp may, xưởng may gia công, công ty TNHH có tên tuổi sở hữu từ vài chục công nhân đến cả trăm công nhân với những sản phẩm comple, veston cao cấp. Thợ làng Vân Từ còn mở cửa hàng, đại lý ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ cao nguyên Lâm Đồng đến phố thị Sài Gòn, phố cổ Hà Nội, Cần Thơ, Nam Định, Hải Dương… ở đâu cũng đều đã có các cửa hiệu lớn làm, bán comple, veston mang thương hiệu Vân Từ. Sản phẩm may của Vân Từ có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà còn xuất sang nhiều nước ở Châu Á, Châu Âu.

Những xưởng may mặc, phòng trưng bày của làng nghề Vân Từ

Để làm ra 1 sản phẩm comple, veston, một người phải mất nhiều năm học nghề. 6 tháng đến 1 năm đầu, người thợ phải học cho thành thạo công đoạn bo khuyết áo, đính cúc kháo, cắt chỉ thừa. Vài năm sau nữa thợ học may cho thành thục ống tay áo rồi học may ghép các bộ phận vào với nhau, rồi may hoàn ch ỉnh được 1 chiếc áo comple. Giai đoạn cuối cùng là học may quần. Khoảng 10 năm một người thợ mới trở thành thợ may comple giỏi. Người thợ càng làm lâu năm càng có kinh nghiệm, tay nghề cao, vì qua thực tế họ sẽ đúc rút ra được kinh nghiệm làm nghề của riêng mỗi người. Người thợ giỏi là người sẽ nhìn ra ngay phom của khách để cắt may 1 cách chỉnh chuẩn, dáng, phom đẹp, khiến khách mặc lên mười người như mười đều tắm tắc khen ngợi, ưng ý. Sản phẩm ở Vân Từ khác biệt so với nơi khác là gồm có 4 lớp: vải, mùng, lót, bông, giúp comple, veston trở nên dày và bền hơn, không bị nhàu.
Vân Từ hiện đã có 4, 5 thế hệ làm nghề may comple, veston. Nhiều gia đình cha truyền con nối đã được 3 hoặc 4 thế hệ, như gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn, 3 thế hệ làm nghề. Ông nội anh xưa kia đã từng mở hiệu may ở ngõ Mai Hương. Hiện xưởng may của anh có khoảng 30 công nhân, thu nhập của công nhân có tay nghề cao khoảng trên 10 tri ệu đồng/ tháng. Mỗi năm xưởng của anh xuất ra th ị trường cả nước khoảng 300-400 bộ comple cao cấp. Anh Nguyễn Văn Cường, 39 tuổi chủ xưởng may với gần 40 công nhân, mỗi năm xưởng của anh xuất ra khoảng 600-700 bộ comple đi cả nước và sang Nga. Gia đình anh đã có 4 đời làm nghề may, đầu thế kỷ 20 cụ nội anh đã có hiệu may ở phố Khâm Thiên. Đó còn là những thế hệ thứ 2 thợ may của làng như xưởng may của Cựu chiến binh Đào Ngọc Hùng, Giám đốc doanh nghiệp may mặc tư nhân Huy Hùng. Doanh nghiệp đã được tặng Giải thưởng vàng của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và cá nhân Giám đốc được nhận Bằng vinh danh Doanh nhân cựu chiến binh vàng Thủ đô năm 2008 -2009. Bố anh xưa kia mở hiệu may ở phố Hàng Gai. Sản phẩm comple cao cấp của doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu đi nước ngoài v.v.
Đã bắt đầu vào mùa đông, khi những làn gió heo may, gió mùa đông bắc tràn về cũng là thời điểm vàng của nghề may comple. Khi đó nhu cầu may comple, veston của người dân rất lớn. Đơn đặt hàng liên tiếp từ trung tâm Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước dồn dập đổ về Vân Từ. Toàn xã lại bận rộn, hối hả ngày đêm cắt, may và giao, nhận hàng. Những bộ comple, veston nối tiếp nhau ra đời, nó mang trong minh sự yêu quý của những người thợ tài khéo Vân Từ, sản phẩm làm ra là để làm đẹp cho đời, làm giầu cho gia đình, quê hương những người thợ.
Tự hào về những sản phẩm làm ra của quê hương, trong Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên, những người Vân Từ đã làm ra những bộ comple khổng lồ và được ghi vào kỷ lục guinness để giới thiệu cho khách tham quan chiêm ngưỡng.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *