Thủ tục xin phép

Câu hỏi:

Hiện tại, tôi đang có ý định đầu tư vào một khu di tích để mở một phòng trà kiểu Hàn Quốc,dạy và truyền bá văn hóa của người Hàn Quốc đến người Việt Nam, đồng thời thu phí dịch vụ mà không làm ảnh hưởng đến di tích đó.
Các anh/chị cho tôi hỏi, tôi phải thực hiện thủ tục như thế nào ?

Được hỏi bởi Lê Nhật Hạ
Trả lời:

Ban Quản lý Di tích Danh thắng – Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trả lời công dân như sau:

– Khoản 13. Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định:

“Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.”

– Khoản 2; khoản 3. Điều 8 Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND Thành phố Hà Nội quy định:

– “Hoạt động tại di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng và các quy định pháp luật khác có liên quan”.

– “Hoạt động dịch vụ tại di tích phải được bố trí ở vị trí thích hợp, đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan môi trường của di tích, an ninh và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo gắn với di tích”

– Theo quy định trên, việc bố trí các hoạt động dịch vụ trong di tích như công dân nêu thì cần xin chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia; cấp Quốc gia đặc biệt; xin chủ trương của UBND thành phố Hà Nội đối với di tích xếp hạng cấp Thành phố, di tích trong danh mục kiểm kê; và tùy theo từng nội dung tính chất của hoạt động tại di tích để có ý kiến tham gia của cơ quan chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật và Thành phố./.