Triển lãm

Khai mạc Triển lãm nghệ thuật đương đại “Du và Dội”

Chiều 9/11, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm nghệ thuật đương đại “Du và Dội” của 2 họa sĩ Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn

Đây là triển lãm tranh cá nhân lớn nhất Việt Nam trưng bày hơn 300 tác phẩm trong đó chủ yếu là các tác phẩm của Ngô Xuân Bính với đủ các thể loại sơn dầu, giấy dó, sơn mài, màu nước, phấn sáp… được triển lãm lần này như “phơi bày” cuộc sống “hỉ, nộ, ái, ố” của hai họa sỹ bởi “tranh là đời, đời là tranh”.

Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm

Có nhiều ý kiến trái ngược đưa ra các góc nhìn khác nhau về mối tương quan tỉ lệ giữa năng lực, trách nhiệm – tính nhân văn và hạnh phúc. Ngô Xuân Bính, Lê Văn Thìn tập trung hướng vào ý niệm tinh thần của truyền thống và hiện đại – với mong muốn nhận ra thế giới luôn kỳ lạ, rất thương yêu và mới mẻ.
“Du và Dội” dường như là sự kết hợp ăn ý giữa hai người họa sĩ. Với họa sĩ Lê văn Thìn, tranh của ông là sự du hành của nhịp điệu toát lên ở hầu hết những bức sơn mài. Phố xá, nhà cửa, đàn bà… thậm chí cả đám đông nữa, trong tranh ông vẫn là các khoảng lặng được thu xếp cho phương cách mà nhịp điệu phiêu du trình diễn. Nhịp của các nhành khô giãy giụa hoặc câm như vân vỏ trai, ốc, muôn nét nhịp bay chi chít dệt màu then, cựa quậy từ các đóa loa kèn cẩn trứng hoặc thở khẽ trong bó bạch liên… Càng về sau, sự du hành của nhịp điệu càng phóng túng, cuồng loạn… phá vỡ các cấu hình mờ mịt đã dẫn ông đến ngưỡng – bất chấp nguyên tắc phẳng – nhẵn hà khắc của kỹ thuật sơn mài, để nhịp điệu tự do tìm lối phiêu du cho chúng.

Trong khi đó hàng trăm bức sơn dầu, lụa, sơn mài, giấy dó, phấn sáp… của Ngô Xuân Bính lại chứa đựng hay hứng chịu muôn cơn rung động chất đầy năng lượng trào ra mãnh liệt. Sự rung cảm của mỗi người chiêm ngưỡng về nguồn cơn tác giả dội lên mặt tranh có thể được phát nghĩa từ các mảng màu vô định hình hoặc tinh thần vô thức. Tất cả nhảy vào tranh ông do chúng gào gọi nhau: màu gọi màu, nét gọi nét, suy tưởng gọi suy tưởng, tề tựu, thậm chí chỉ là cách ông tổng lực tống ra nguồn năng lượng dồn nén… Đâu như ước đoán, cách ước đoán hay nhận biết khác nhau trong mỗi cá nhân về mật độ đậm đặc năng lượng xúc cảm hoặc thông điệp tác giả gửi vào tác phẩm khi chúng ta đứng trước khối lượng lao động đồ sộ của họa sỹ Ngô Xuân Bính.

Mọi quan điểm tự chọn con đường cho mình đến với điểm chạm của nghệ thuật đều cá tính, thậm chí cực đoan… nó dựa trên niềm tin vào sự tiến hóa tất yếu đi lên của vạn vật.
Họa sỹ Lê Văn Thìn sinh năm 1952, giảng viên trường Đại học Mở Hà Nội. Ông là họa sỹ nổi danh với dòng tranh sơn mài trắng. Những bức họa ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người đầy ắp trong những sáng tác gần đây đã được họa sĩ Lý Trực Sơn nhận xét: “Lê Văn Thìn hiện nay có một lối vẽ riêng, độc đáo và độc đạo. Nhưng theo dõi quá trình lao động nghệ thuật của Thìn, người ta thấy phong cách của anh không thể cố tạo ra được.Bây giờ anh đang có loạt tranh sơn mài dùng vỏ trứng vỏ sò làm chất liệu chính.Tôi đã đặt tên cho loạt tranh vỏ trứng vỏ sò của Thìn là “Sơn mài trắng”. Tôi không muốn diễn tả chúng nhiều vì tin rằng giữa tranh của anh và người xem sẽ có một cuộc đối thoại thú vị”.
Với họa sĩ Ngô Xuân Bính, những năm gần đây, ông ghi dấu ấn trong giới hội họa nhờ những bức tranh sơn dầu với 2 lần triển lãm tranh ở Minxcơ và 3 triển lãm cá nhân ở Matxcơva. Đặc biệt, năm 2010, Ngô Xuân Bính được Viện Hàn lâm tạo hình Nghệ thuật Liên Bang Nga trao tặng danh hiệu “thành viên danh dự”. Qua triển lãm này, Ngô Xuân Bính tự bạch toàn diện cá nhân ông qua những biểu đạt sâu sắc nỗi niềm đương đại…

Họa sĩ Ngô Xuân Bính đã sử dụng nhiều chất liệu mới trong quá trình vẽ tranh của mình

Họa sĩ Ngô Xuân Bính cho biết: “Điều quan trọng nhất khi vẽ chính là hiệu ứng “lên đồng”, hiệu ứng của cảm xúc. Nếu mình không có cảm xúc, không có quá trình bốc thăng thì mình sẽ kiềm chế tất cả những cái mà nghệ thuật cần phải có. Khi vẽ bằng kỹ thuật truyền thống, vẽ 1 ngày có khi phải ủ lại, thậm chí vài ngày sau mới thấy được hiệu ứng của nó thì người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng có được sự thăng hoa, không phải lúc nào cũng “lên đồng” được như vậy, cho nên quá trình ấy sẽ làm cho cảm xúc mất đi. Mà tranh không có hiệu ứng cảm xúc là tranh không có hồn. Vì vậy, một trong những lý do dẫn đến có sự kết hợp giữa tôi và họa sĩ Lê Văn Thìn cũng chính vì anh Thìn là một trong những người đi đầu trong một số kỹ thuật mới trong vẽ tranh sơm mài, có tính chất bước đệm, đưa một số chất liệu khác vào trong sơn mài…”.

Chiêm ngưỡng những bức tranh của 2 họa sĩ tại Triển lãm, một khán giả cho biết: “Tôi có một cảm nhận rất đặc biệt, dường như đây là một lời tri ân của họa sĩ đối với cả vũ trụ bao la. Các bức tranh đều là sự biết ơn với đất trời; mà sự biết ơn đó nhiều tới mức mà người họa sĩ này không kiểm soát được cây cọ, được mực, màu vẽ… tất cả như bị bứt phá hết như chỉ để nói lên một lời tri ân đối với thiên địa, với cuộc sống. Nhưng đồng thời, nếu như ta tĩnh tâm lại sẽ thấy ở trong đấy dường như còn có sự nhận lại ở đất trời để rồi tiếp tục đơm hoa, kết trái… Cái ý nghĩa nhân sinh đấy thật sự kỳ diệu…”.
Triển lãm là cơ hội để công chúng chiêm ngưỡng và thưởng thức những tác phẩm của 2 tác giả, đồng thời bảo tồn, quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước.

Vy Vy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *