Sự kiện

Di tích đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám: Tích cực triển khai quy tắc ứng xử nơi công cộng

Ngày 10/3/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ- UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Quy tắc gồm 4 chương và 14 điều hướng tới từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh […]

Ngày 10/3/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ- UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Quy tắc gồm 4 chương và 14 điều hướng tới từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phạm vi áp dụng là nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối tượng áp dụng của Quy tắc  là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn TP Hà Nội. Là một di tích đặc biệt, điểm dừng chân của du khách trong nước và quốc tế, Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã tích cực triển khai, đưa Quy tắc vào cuộc sống.

Di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng

Văn Miếu được xây dựng từ “tháng 8 năm Canh Tuất (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối vẽ tranh tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học”.  Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử giám, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc.

Từ khi được xây dựng tới nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành biểu tượng đầy tự hào của tâm hồn và khí phách người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Qua nhiều lần trùng tu, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được xây dựng hoàn chỉnh và to đẹp nhất, bốn mặt đều là phố. Mỗi hạng mục của công trình đều thể hiện tâm huyết, tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Hà Nội đối với truyền thống nhân văn và hiếu học của dân tộc. Với những giá trị tự thân cũng như vai trò và tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với việc tạo lập, phát triển nền văn hóa truyền thống, dù ở giai đoạn nào của lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng mang ý nghĩa quan trọng đối với người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân trên mọi miền đất nước nói chung, là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, là tinh hoa cao quý cần được gìn giữ cho muôn đời sau.

Nhằm nâng cao môi trường văn hóa du lịch, xây dựng hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám thực sự thân thiện, mến khách, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám tích cực triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, trong đó có nội dung đề nghị du khách không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm (áo ngắn, áo hai dây, quần đùi, quần sooc, váy ngắn…) khi tham quan di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Quy định này có hiệu lực từ 10/4/2017. Để phục vụ việc áp dụng quy định, đơn vị đã thực hiện nhiều công việc: lắp đặt biển nội quy; truyền thông trên trang thông tin điện tử, fanpage của đơn vị và đặc biệt là thông qua các đơn vị lữ hành để hướng dẫn du khách mặc trang phục phù hợp khi vào di tích. Với những du khách ăn mặc chưa phù hợp, đơn vị có  áo choàng cho du khách mượn để phục vụ nhu cầu tham quan di tích, hướng tới xây dựng môi trường tham quan văn minh, lịch sự, tôn trọng thuần phong mỹ tục của dân tộc. Được biết, mẫu áo choàng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám có màu ghi xám, in logo của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám, tay lỡ và độ dài qua gối,  phục vụ cho du khách mặc không phù hợp khi vào các khu thờ tự như điện Đại Thành, nhà Hậu đường. Chính vì vậy, áo choàng không phải phát từ cổng chính mà tại gần nơi thờ tự. Dự kiến từ tháng 6/2017 sẽ triển khai thử nghiệm.

Việc cho du khách mượn trang phục khi  tham quan di tích được thí điểm ở di tích đền Ngọc Sơn, nhà tù Hỏa Lò đã nhận được sự đồng thuận của người dân cũng như du khách. Đây không chỉ là  giải pháp tình thế hạn chế tình trạng ăn mặc phản cảm mà còn tiến tới xây dựng nét đẹp văn hóa ở những chốn tôn  nghiêm.  Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám hy vọng rằng, sau một thời gian Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng triển khai tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, số du khách mặc quần áo không phù hợp khi vào tham quan di tích cần mượn quần áo của đơn vị sẽ giảm dần và đến lúc không phải thực hiện công việc này.

Văn Miếu- Quốc Tử Giám thu hút đông đảo du khách đến tham quan

 

 Khánh Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *