Sự kiện

Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ khai mạc vào 29/1

Sáng 25/1, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo thông tin về Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019.

Theo đó, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ diễn ra từ ngày 29/01/2019 đến 17/02/2019 (tức 24 tháng chạp năm Mậu Tuất đến mùng 13 tháng giêng năm Kỷ Hợi) tại hồ Văn (thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám).
Theo thông tin từ BTC, Hội chữ Xuân năm nay sẽ có sự tham gia của 60 ông đồ đã trải qua quá trình khảo tuyển trước đó. “Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019” đã nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các Câu lạc bộ Thư pháp Hán – Nôm, Quốc ngữ và nhiều người viết thư pháp tự do không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Hưng Yên, Huế…
Các hoạt động tại Hội chữ Xuân bao gồm: Lễ khai mạc “Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019” và triển lãm Thư pháp “Văn hiến” vào hồi 16h ngày 29/01/2019 tức ngày 24 tháng chạp năm Mậu Tuất. Với chủ đề “Văn hiến” triển lãm thư pháp là hoạt động nhằm phát huy truyền thống văn hiến nghìn năm, khích lệ các thế hệ trẻ của Thủ đô không ngừng nỗ lực học tập vươn lên, thể hiện trách nhiệm kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Từng bước nâng tầm hoạt động viết chữ thư pháp và nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về thư pháp của công chúng; Tạo cơ hội cho người dân và nhất là thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp. Triển lãm sẽ trưng bày 30 tác phẩm thư pháp được lựa chọn từ nhiều tác phẩm thư pháp gửi về tham dự.

Các ông đồ đã và đang chuẩn bị cho Hội chữ Xuân Kỷ Hợi.

Bên cạnh hoạt động chính, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi còn có các hoạt động trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó; gói bánh trưng ngày Tết, giới thiệu một số món ăn truyền thống của Việt Nam. Tìm hiểu về ba dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàn. Tham quan và mua sắm tại các gian hàng làng nghề truyền thống: Lụa tơ tằm, sơn mài, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật, gốm sành sứ, hoa, cây cảnh, mâm ngũ quả ngày tết
Đặc biệt, người dân Thủ đô và du khách còn có cơ hội tham gia lễ hội hoa đăng thả đèn xuống mặt hồ với mong muốn cho một năm mới An khang, Thịnh vượng, Như ý,…; Thưởng thức các chương trình ca nhạc dân gian tổng hợp, quan họ, ca trù, hát xẩm, hát xoan, bài chòi, chèo, chầu văn…; các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đập niêu đất, nhảy sạp, kéo co ngày đầu xuân,… Đồng thời còn có thể tham dự Cuộc thi ảnh Hội chữ Xuân với nhiều quà tặng hấp dẫn.

Ông Lê Xuân Kiêu – GĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám thông tin tại buổi họp báo.

Cũng theo BTC, ngày 24/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức hội nghị an ninh, phối hợp với: Công an Thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa, Công an quận Đống Đa, UBND và công an các phường Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Văn Chương, Hàng Bột, Cát Linh và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ… tại hồ Văn và toàn bộ khu vực Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong dịp Tết Nguyên đán 2019.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lê Xuân Kiêu – GĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám mong muốn Hội chữ Xuân không chỉ đáp ứng nhu cầu “Cho chữ, xin chữ” đầu Xuân, mà đây sẽ trở thành một nét văn hóa truyền thống lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam, cũng như nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về thư pháp của công chúng.

Vy An

 

 

 

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *