Lễ hội

Nghi thức rước vua giả độc đáo ở làng Thụy Lôi, Đông Anh

Lễ hội rước vua giả làng Thụy Lôi hàng năm được tổ chức vào ngày 10-11 tháng Giêng, là lễ hội độc nhất vô nhị ở Hà Nội và cả nước.

Thụy Lôi là một làng lớn của xã Thụy Lâm. Đất làng kéo dài từ bến sông Cà Lồ đến sát cánh đồng làng Vân Điềm, xã Vân Hà, cùng huyện Đông Anh. Người Thụy Lôi hiền lành, chăm chỉ và đề cao lễ nghĩa, hiếu học. Thời Hậu Lê làng có tiến sĩ Lê Tuấn Mậu.
Thụy Lôi cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, làng còn có tên Nôm là Nhội, Kẻ Nhội, Ma Lôi, Xuân Lôi. Nhắc đến Thụy Lôi, người ta nghĩ ngay đến quần thể di tích cấp Quốc gia đền Sái, chùa Sái, đền Thượng. Tương truyền đền Sái có từ thời các vua Hùng, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền Sái thuộc vùng núi Thất Diệu (bảy ngọn núi thiêng liêng, huyền diệu). Núi nằm trên một vùng đất bằng phẳng ở phía đông bắc Thủ đô Hà Nội, cách thành Cổ Loa chừng 10km. Núi Thất Diệu nhìn từ xa như bảy con rùa mà con đầu đàn là ngọn cao nhất, dân gian gọi là núi Rùa mẹ hoặc Sái, tên chữ là Vũ Dương Sơn hoặc Quy Linh Sơn. Núi thuộc địa phận làng Thụy Lôi.



Đền Sái

Theo truyền thuyết dân gian: Sau khi đổi tên nước là Âu Lạc, vua An Dương Vương đóng đô ở đất Cổ Loa và cho đắp một tòa thành thật kiên cố. Khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi đất rắn. Dân phu đào đất, khuân đất đắp thành ngày càng cao. Thành sắp hoàn thành, nhưng chỉ sau một đêm cả bức tường thành sập xuống, nhiều lần xây lại đổ như vậy, thành đất vẫn chưa làm xong. Vua ra xem chỗ thành đổ, đi vòng quanh chân tường, cầu khấn. Bỗng nhiên, Ngài thấy một ông già râu tóc bạc phơ từ phía xa đi lại, đến gần, tự xưng là thổ thần và nói với vua rằng: Nhà vua đừng lo, sáng mai ra bờ sông đợi sẽ có sứ giả đến giúp, rồi ông già biến mất. Mờ sáng hôm sau, vua ra bờ sông đợi. Một con rùa vàng rất lớn nổi lên mặt sông, tự xưng là thần Kim Quy. Vua rước thần vào cung và hỏi kế đắp thành. Thần Kim Quy nói: Ở núi Thất Diệu có con gà trắng sống lâu năm thành tinh (bạch kê tinh), có phép biến hóa khôn lường, nó thường hãm hại khách qua đường và khách ngủ ở các quán trọ trong vùng, những oan hồn ấy không tan, lẩn quẩn trong khe đá, hang sâu, đêm đêm rủ nhau đến xúi giục con gà trắng phá thành đang xây… Muốn đắp được thành, trước tiên phải trừ hết yêu ma và giết chết con gà trắng. Nghe lời thần mách bảo, vua sai mấy viên tướng đem quân vào rừng mai phục, rồi cùng thần Kim Quy đi trừ yêu, diệt ma… Xong việc, thần Kim Quy liền rút một cái móng của mình trao cho vua và dặn: Nhà vua giữ lấy móng chân này để làm lẫy nỏ, khi có giặc thì đem nỏ ra bắn, một phát có thể giết được hàng ngàn quân. Nhờ có thần Kim Quy trợ giúp, chưa đầy 1 tháng tòa thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng, xoáy hình con ốc nên gọi là Loa Thành.
Vua Thục Phán An Dương Vương liền đến núi Thất Diệu, vào đền tạ ơn công đức của thần Huyền Thiên Trấn Vũ – người đã giáng lâm làm cụ già râu tóc bạc phơ đến chỉ bảo. Ngài cho tu sửa đền thờ khang trang hơn và đặt tên là Kim Thuyết Cung. Hàng năm cứ vào độ Xuân về, vua An Dương Vương lại cùng quan quân về bái kiến. (Tương truyền, sau này, khi dời đô về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã tới đền Sái xin rước bài vị Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ và lập đền thờ ngài tại kinh thành Thăng Long, lấy tên là đền Quán Thánh – là một trong “Thăng Long tứ trấn”).
Sau thấy việc đi lại làm hao phí của cải, hoa màu của dân nên Ngài đã giao lại cho dân địa phương toàn quyền thi hành nghi lễ thiên tử. Từ đó trở đi, mỗi năm dân Thụy Lôi lại chọn một trong số những người già, trên 70 tuổi, có gia thế, đạo đức tốt trong làng đóng vai vua đi bái lễ đức thánh thần Huyền Thiên Trấn Vũ và lễ rước vua giả, còn gọi là lễ rước vua sống trở thành tập tục của dân Thụy Lôi. Lễ hội đã tồn tại hàng ngàn năm qua.
Lễ hội rước vua giả làng Thụy Lôi nhằm diễn lại tích vua Thục cùng đoàn tùy tùng bái kiến đức thánh thần Huyền Thiên, tưởng nhớ thần đã giúp An Dương Vương trừ yêu, xây thành. Các ngôi thứ, phục trang, võng lọng trong lễ hội đều phỏng theo lối của triều đình. Cùng với việc diễn tích vua bái yết thành ở đền Sái là tích diệt bạch kê tinh.
Lịch trình lễ hội làng Thụy Lôi như sau: Từ trước Tết Nguyên đán, dân làng cho sửa sang đường xá, cầu cống, trang trí quanh đền và con đường dẫn vào đền để đón vua về. Con đường xưa vua đi gọi là đường Cái thờ. Việc dọn dẹp, vệ sinh trong đền và lau chùi các đồ thờ tự cũng được chuẩn bị từ trước Tết. Xong xuôi, dân làng sẽ bao sái, tắm tượng. Tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ ở hậu cung đền Sái là một pho tượng lớn, làm bằng đất không nung, trộn với hương liệu, bên ngoài quét sơn ta. Dân Thụy Lôi cho rằng pho tượng này đã có từ hàng ngàn năm nay nên vô cùng trân quý, giữ gìn, mấy năm lại cho sơn tượng một lần, như mới.


Tượng đức thánh thần Huyền Thiên Trấn Vũ trong hậu cung đền Sái

Sau Tết Nguyên đán, ngày 6 tháng Giêng, dân làng Thụy Lôi ra đình cắm chỗ, dựng dinh cho vua, chúa và các quan, các ông đám, ông trò trình làng. Dinh vua đóng trong đình, dinh chúa đặt ngoài đình. Có cả chỗ cho những trâu đô, bò đô, lợn đô – Những con vật được các nhà nuôi cẩn thận và cho ăn sạch sẽ từ cả năm trước, chờ ngày dâng cúng. Ngày 9 tháng Giêng, dân làng làm bánh chưng, bánh dày tiến vua. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp hoa vàng do dân Thụy Lâm cấy trồng – thứ gạo nổi tiếng thơm ngon. Bánh được gói gói trong lá chít, lá mía xanh – Những thứ bánh nổi tiếng khắp vùng bao đời qua của Thụy Lôi.
Ngày 10 tháng Giêng, làng Thụy Lôi tổ chức giết mổ những con lợn đô, trâu đô để vua khao dân làng, binh lính tại đình. Trưa hôm đó, vua lên đền Sái bái yết đức Huyền Thiên Trấn Vũ…
Vua (giả) còn lên đền Trung. Chúa đi lễ đền Thượng.
Ngày chính hội 11 tháng Giêng, qua giờ ngọ, đám rước bắt đầu, các ông vua giả, chúa giả, quan giả được kiệu võng rước ra đình. Vua giả ngồi trên ngai sơn son thếp vàng đặt trên một sập cao gần chính giữa đình. Thềm đình bên phải là hai dinh: Dinh quan đề lĩnh và quan tán lý, bên trái là dinh của quan thị vệ. Ngoài đình phía bên phải là dinh chúa (chúa ngồi trên ngai gỗ), phía sau là dinh quan lưu thủ.
Sau khi vua giả, chúa giả, các văn võ bá quan đã yên vị, tiệc bắt đầu. Trong các món ăn của tiệc (còn gọi là cỗ thí) có bánh tét, chè lam là đặc sản của làng. Tiệc tan, chiêng trống nổi lên, chúa vào yết kiến vua theo đúng nghi lễ truyền thống. Theo quy định, chúa phải đi bộ đúng ba vòng quanh đình mới được vào yết kiến nhà vua. Chờ chúa bái kiến xong, vua mới lên kiệu bát cống, các quan tán lý, đề lĩnh, đô tướng… lần lượt cũng lên võng theo vua.
Cuộc rước bắt đầu, đi đầu là cờ mao tuyết để dẹp tan yêu khí cho đám rước đi an toàn, tiếp đến là kiệu chúa và sau là kiệu vua có tàn lọng sặc sỡ uy nghiêm che, tiếp đến là phường nhạc, đội múa bước đi trong tiếng chiêng trống trầm hùng trang nghiêm mà vẫn nhộn nhịp, tưng bừng, dân làng đứng hai bên xem. Đến Đồng Chầu, đoàn rước dừng lại, vua khi ấy sẽ xuống kiệu đi lên gò Vọng bái làm lễ bái vọng Đức thánh thần Huyền Thiên trên đền Sái. Trong lúc ấy, kiệu chúa đi nhanh về phía đền Thượng, đến đền, chúa xuống kiệu làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào hòn đá để sau đền, đổ phẩm đỏ lên. Tục truyền ấy là động tác giết gà trắng. Sau lễ ướm gươm, chúa vào đền đứng vái trước bài vị Cao Sơn Đại Vương ba vái, rồi chúa biến mất, dân làng khiêng kiệu không về đình. (Theo tập tục của làng, những người từ tuổi 60, gia đình vẹn toàn mới được cử đóng vai chúa hoặc quan).
Sau khi làm lễ bái vọng xong, vua về đình và dừng lại trước dinh lưu thủ. Vua khi ấy ngự trên ngai vàng, bà con làng xóm vui mừng kéo tới dinh chúc tụng Ngài.



Lễ hội đền Sái, làng Thụy Lôi

Xưa kia, người được chọn đóng vua giả sẽ được làng cấp ba mẫu ruộng để lấy hoa lợi chi phí trong hội, ngoài áo quần, kiệu võng họ còn phải lo một trâu đô, một lợn đô. Người đóng vai chúa thì ít hơn, chỉ có một mẫu ruộng nhưng phải lo một con bò cho làng. Các vai như quan đô tướng, quan trấn thủ, quan tự vệ, quan đề lĩnh… thường là các cụ trên 55 tuổi, là họ hàng anh em với vua và chúa.
Trước kia, lễ hội rước vua giả làng Thụy Lôi diễn ra trong ba ngày, nay chỉ tổ chức gọn một ngày. Lễ hội thu hút hàng ngàn người dân và du khách ở Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận đến xem. Năm 2023 này, sau 3 năm ngừng tổ chức do dịch bệnh COVID-19, lễ hội truyền thống làng Thụy Lôi với lễ rước vua giả đền Sái sẽ được tổ chức lại. Tuy vậy, quy mô lễ hội sẽ được tổ chức đơn giản và tiết kiệm. UBND xã Thụy Lâm đã ra Quyết định Về việc thành lập Ban tổ chức lễ hội đền Sái do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và 25 thành viên, có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên và 3 tiểu ban giúp việc. Xã Thụy Lâm còn xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc tổ chức lễ hội rước vua giả đền Sái. Đặc biệt, UBND xã Thụy Lâm đã xây dựng một cách chi tiết phương án tổ chức lễ hội đền Sái Xuân Quý Mão 2023 nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho lễ hội và du khách dự hội.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *