Văn hoá đời sống

Người đưa văn hoá xứ Đoài đến độc giả qua những “trạm đọc di động”

Là người yêu sách, yêu văn hoá xứ Đoài, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã dành tâm huyết thành lập “Xứ Đoài Books” tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Nơi đây có hàng nghìn cuốn sách về danh nhân xứ Đoài, do các tác gia xứ Đoài sáng tác phục vụ độc giả miễn phí. Đây được nhiều người ví như một “Bảo tàng văn học” của xứ Đoài. Không dừng lại ở đó, anh còn thiết kế những giá sách để có thể vận chuyển đi thuận lợi, tạo thành những “trạm đọc” di động.

Dù Tết Nguyên đán đã đến, anh Nguyễn Mạnh Hùng vẫn tất bật với sách vở. Anh tự tay thiết kế những giá sách “kiểu mới”. Bình thường, đó là những giá trưng bày sách với kích thước 80cm x 120cm, nhưng khi cần có thể “bê” nguyên trọn bộ đi để trưng bày, giới thiệu. Anh sắp sẵn sách theo từng chủ đề để mỗi khi đem sách đi không tốn nhiều công sắp xếp. Anh Hùng bảo đó là những “trạm đọc” di động để anh có thể đem sách đi trưng bày, giới thiệu, phục vụ độc giả ở những lễ hội, những dịp hội nghị, hội thảo, hay giới thiệu sách với các bạn sinh viên ở các trường Đại học, cao đẳng hay các em học sinh.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng được hay bạn bè vui gọi là Hùng “sách cũ”, hay Hùng “sách xứ Đoài”. Bởi cuộc đời anh bao năm qua gắn bó với sách, đặc biệt là các loại sách cũ. Câu chuyện đến với sách và gắn bó với sách của anh Hùng không phải ngẫu nhiên. Sinh ra ở vùng đất xứ Đoài – vùng đất sản sinh ra bao danh nhân qua các thời đại; đồng thời, xứ Đoài cũng là một miền thơ. Chỉ riêng thời cận, hiện đại xứ Đoài đã có nhiều nhà vă, nhà thơ lớn của đất nước như: Tản Đà, Quang Dũng, Hồ Phương… Sinh ra trong một “miền thơ” như thế, ngay từ hồi mới học lớp 1, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã mê đọc sách. Nhà gần hiệu sách tại ngã tư Trạm Trôi nên buổi trưa anh thường ra hiệu sách để ngắm nhìn sách qua lớp kính, và cũng thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua truyện đọc. Lớn lên chút nữa, anh nhận ra, chính những vùng đất, làng quê trên quê hương anh là nơi sinh ra những danh nhân đi vào sử sách. Khi lên Hà Nội học đại học cũng là lúc anh được “vùng vẫy” trong thế giới sách. Hà Nội không những nhiều thư viện, nhiều hiệu sách khắp nơi mà còn là nơi có nhiều nhà sưu tập sách, với những cuốn sách quý. Lúc ấy chưa có điều kiện sưu tập sách quý, nhưng anh cũng “lần mò” đến những hiệu sách cũ có tiếng như hiệu sách của bác Phan Trác Cảnh ở phố Bát Đàn, hiệu sách ông Lương Ngọc Dư ở phố Bà Triệu, sách bác Vũ Kim Điền ở phố Thụy Khuê.

Các em học sinh đến với “Xứ Đoài thi quán” để tìm hiểu, học tập về văn học xứ Đoài.

Cuộc đời anh Nguyễn Mạnh Hùng gắn với binh nghiệp. Anh công tác ở Viện Vũ khí (Bộ Quốc phòng), nhưng suốt mấy chục năm công tác, chưa bao giờ anh xa rời niềm đam mê với sách. Khi thì tự bỏ tiền mua, khi thì vận động “xin”. Kho sách cứ thế ngày một đồ sộ. Với anh mỗi cuốn sách đều như một con người, có tên, có tuổi, có ký ức qua những bàn tay người đọc, có dấn ấn khi người ta lưu những dòng kỷ niệm trên đó. Tất nhiên, sách càng cũ thì càng quý vì có dấu ấn của tháng năm. Anh dành nhiều thời gian sưu tầm sách cũ. Có những bộ sách cũ anh phải tích cóp mãi mới “thỉnh” được về. Một trong số đó và bộ “Tản Đà vận văn” được in trước năm 1954.

Tự hào về quê hương xứ Đoài nên anh Hùng sưu tập nhiều sách, truyện của các tác gia xứ Đoài. Khi “Xứ Đoài books” đi vào hoạt động năm 2015, anh Hùng chợt nảy ra ý định lan tỏa những giá trị kho sách “chuyên đề” về những tác giả, tác phẩm xứ Đoài đến cộng đồng. “Xứ Đoài books” ra đời với địa điểm chính là ngôi nhà của anh ở thị trấn Phùng, nơi bất kỳ ai cũng có thể đến để đọc, nghiên cứu, chia sẻ kiến thức với chủ nhân từ kho sách hơn 2000 cuốn, nhiều nhất là sách của các tác gia xứ Đoài. “Xứ Đoài books” nhanh chóng thu hút đông đảo độc giả, từ những người làm công tác nghiên cứu cho đến sinh viên. Nhiều người gọi “Xứ Đoài books” là “Xứ Đoài thi quán”. Dù không phải tên chính thức, nhưng đây là cái tên được nhiều người ưa thích.

“Mình hiểu giá trị của sách, của văn hoá xứ Đoài nên mình luôn mong muốn lan toả những giá trị ấy. Thế nên bên cạnh việc mọi người tìm đến “Xứ Đoài thi quán” thì mình muốn đem sách đến với mọi người. Đó là lý do mình thiết kế những “trạm đọc” di động thế này”, anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Anh bảo rằng chỉ cần chở vài chuyến xe máy là anh có thể bố trí được một “thư viện di động” cho độc giả, và anh sẵn sàng làm điều đó. Còn tại “Xứ Đoài thi quán”, để mọi người có thể thưởng thức văn hoá xứ Đoài qua các cách khác nhau, anh còn thiết kế một dàn âm thanh cổ kết nối hệ thống máy tính cho phép người xem tìm và thưởng thức các tác phẩm thơ nhạc của thi nhân xứ Đoài.

Dù “Xứ Đoài thi quán” đã thu hút được lượng không nhỏ người yêu văn học nghệ thuật nhưng anh Hùng vẫn mơ ước xây dựng Bảo tàng Văn học xứ Đoài để lưu giữ nhiều hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Anh đã chuẩn bị mặt bằng để xây dựng hai khu, gồm “Xứ Đoài thơ” và “Xứ Đoài văn”. Anh đang chuẩn bị xin thủ tục để thành lập “Bảo tàng Văn học” xứ Đoài.

Thuỳ Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *