Di sản – Bảo tồn

Bảo vệ cây cổ thụ Hà Nội – giữ màu xanh, di sản

Thủ đô Hà Nội sắp tròn 1.000 năm tuổi và đồng hành với quãng thời gian này là không ít cây cổ thụ. Những cây cổ thụ này không chỉ mang lại màu xanh mà còn là nhân chứng lịch sử, là biểu trưng văn hóa trong quá trình phát triển của Hà Nội nghìn […]

Thủ đô Hà Nội sắp tròn 1.000 năm tuổi và đồng hành với quãng thời gian này là không ít cây cổ thụ. Những cây cổ thụ này không chỉ mang lại màu xanh mà còn là nhân chứng lịch sử, là biểu trưng văn hóa trong quá trình phát triển của Hà Nội nghìn năm văn hiến…

Ở nhiều nơi, những cây cổ thụ đã sống hàng trăm năm đi vào đời sống tâm linh của người dân Thủ đô. Việc kiểm kê những cây cổ thụ để nắm được hiện trạng bảo vệ là việc làm rất ý nghĩa.

Cây cổ thụ – những chứng nhân lịch sử

Ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông và môi trường thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết từ ý tưởng cây cổ thụ là tài sản vô giá, nhóm nghiên cứu của Trung tâm đã tiến hành khảo sát và lập bản đồ cây cổ thụ Hà Nội (Atlas) từ hơn ba năm nay trên địa bàn 14 quận, huyện Hà Nội (cũ).

Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, cây cổ thụ được định nghĩa là cây sống trên 50 năm và đường kính trên 50cm; tuy nhiên sau khi tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, tiêu chí cây cổ thụ do nhóm ông Cương nghiên cứu được xác định là những cây trên 70 năm, đường kính trên 70cm.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa vào danh sách những cây có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa; cây có nguồn gen quý hiếm… bởi trên thực tế, có những cây về độ tuổi đã đáp ứng được tiêu chí nhưng khi so với cây khác ít tuổi hơn nhưng lại có tính lịch sử, văn hóa thì phải đưa vào như cây đa Bác Hồ hoặc những cây xà cừ 100 tuổi thì phải chọn cây nổi trội như dãy cây xà cừ phố Phan Đình Phùng… ,” ông Cương giải thích.

Từ những tiêu chí phân loại này, nhóm khảo sát xác định có 725 cây cổ quý cần được bảo vệ. Những cây này thuộc hơn 60 loài, 30 họ thực vật khác nhau. Có gần 600 cây tập trung ở chín quận nội thành, chủ yếu ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm; gần 130 cây ở năm huyện ngoại thành.

Ngoài ra, nhóm khảo sát cũng “đánh dấu” những cây cổ thụ có những tiêu chí đặc biệt như cây cao tuổi: 17 cây; cây có kích cỡ lớn 19 cây; gen quý hiếm 6 cây – tập trung chủ yếu ở vườn Bách Thảo.

Trong số này đáng chú ý còn có một cây lim cổ (trên 250 tuổi) trong vườn nhà anh Vũ Đức Kỳ ở xóm 3, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn. Theo chủ nhân, đây là cây lim còn sót lại của một khu rừng tự nhiên trước đây. Nó là minh chứng ngôi làng này trước kia là khu rừng.

Bên cạnh đó, nhóm cây cổ thụ cao tuổi nhất đã sống trên 400-700 năm chủ yếu tại các đình làng, chùa. Điển hình như cây bồ đề tại đình Kiêu Kỵ ở xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm có trên 700 năm hoặc những cây có tán rộng như cây đa búp đỏ trong vườn Bách Thảo cao 27m.

Những cây cổ thụ được xếp vào loại đặc biệt đều gắn với những di tích lịch sử như cây thị ở đình Chèm, cây muỗm ở đền Quán Thánh, cây gạo ở Bảo tàng Lịch sử… Gắn với những dấu tích lịch sử như cây muỗm trên 300 năm được gắn với việc trùng tu đền Quán Thánh.

Theo sử sách, rặng muỗm ở đền Quán Thánh được trồng khoảng năm 1680 dưới đời Lê Vĩnh Trị khi tiến hành trùng tu và cho đúc tượng đồng đen. Bên cạnh đó, có những cây gắn liền với các danh nhân như cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ Prasat trồng ở chùa Trấn Quốc năm 1958.

Không chỉ vậy, cây cổ thụ ở Hà Nội còn đi vào thơ ca. Ngoài phố cổ, trong tâm thức của nhiều người Hà Nội, nói đến đường phố nào thì nhớ ngay đến hình ảnh cây cối ở đường phố đó.

Đường Tràng Thi với hai hàng cây bàng to, đường Nguyễn Du với cây hoa sữa, những hàng xà cừ rợp bóng ở phố Hoàng Diệu hay như hàng sao đen phố Lò Đúc… Có thể nói, với thời gian, cây như sống cùng với tên phố, đi qua các cuộc chiến tranh và gắn bó với kỷ niệm của biết bao người.

Cần có chế độ chăm sóc cho các “cụ”

Ông Nguyễn Nguyên Cương ví von rằng người ta thường ví người già như “cây cao bóng cả,” do đó, những cây cổ thụ có thể gọi là “cụ.” Tuy vậy, các cây cổ thụ đang có nguy cơ bị tác động mạnh từ con người và từ quá trình đô thị hóa và cả sự khắc nghiệt của thời gian.

Từ kết quả điều qua, cây cổ thụ của Hà Nội đang bị suy giảm cả số lượng và chất lượng vì già cỗi không được chăm sóc như cây muồng ngủ ở Vườn Bách Thảo, cây vông nem ở hồ Hoàn Kiếm; bị sâu bệnh như cây sao đen ở phố Lò Đúc, cây thị ở đình làng Vẽ…

Đáng buồn nhất là sự tác động bởi các hành động vô ý thức của con người khi nhiều cây bị đóng đinh, treo biển quảng cáo, đèn quảng cáo; thậm chí vì lợi ích kinh doanh, một số cửa hàng còn ngấm ngầm “bức tử” cây.

“Cây cổ thụ có thể được coi là tài sản của nhiều thế hệ, thế nhưng nhiều cây trồng ven đường chỉ quản lý về mặt giấy tờ. Chỉ khi nào mưa bão, cây bị đổ mới thấy công ty cây xanh đến dọn dẹp. Do chưa có cơ quan quản lý chính thức nào quản lý về cây cổ thụ nên dẫn đến tình trạng cây cổ thụ suy thoái,” ông Cương nhận xét.

Hiện các nhà khoa học đã “khoanh vùng” những cây đang bị bàn tay con người đối xử “tệ hại” và đề nghị có những biện pháp sớm bảo vệ.

Do đó, thành phố Hà Nội sớm ban hành quy định quản lý bảo vệ cây cổ thụ, trong đó qui định trách nhiệm quản lý cụ thể cho đơn vị quản lý cơ sở và hộ gia đình; đồng thời có mức phạt thật nặng những hành vi, vi phạm nghiêm trọng đối với cây cổ thụ.

Đối với một số cây cổ thụ có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử và khoa học như cây đa đền Bà Kiệu, cây bồ đề chùa Trấn Quốc… cần được công nhận là di tích văn hóa lịch sử và giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội quản lý bảo vệ. Một số cây cần được đánh số treo biển và có chế độ theo dõi, chăm sóc định kỳ.

Theo ông Cương, hiện dữ liệu về bản đồ cây cổ thụ đã cơ bản hoàn thiện và mới chỉ in được có năm cuốn sách. Nhận thấy giá trị của quyển sách này, một số tổ chức cũng đặt vấn đề hợp tác để in tiếp nhằm phổ biến hơn nữa giá trị các cây cổ thụ và cũng gián tiếp nhắc nhở từng người dân trân trọng môi trường quanh mình./.

Theo Báo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *