Văn hóa cơ sở

Chùa Cầu (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) – Điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn

Tính từ năm 2006 đến nay, chùa Cầu được tu bổ, tôn tạo 11 lần với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Xây dựng lại nhà thờ Đức Ông trên cơ sở bảo lưu dáng vẻ kiến trúc cũ, tô lại tượng Phật, mở rộng sân chùa, xây dựng nhà thờ Mẫu, làm cổng chùa, tường bao, lát sân… Đặc biệt, từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023 tiến hành xây dựng nhà Dâng lễ…

Chùa Cầu có tên chữ “Kiều Sơn tự”, nằm trong hệ thống quần thể di tích gồm: Đền, đình, chùa, miếu của thôn Lại Thượng (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất), có dòng Tích Giang thơ mộng, bốn mùa nước chảy hiền hòa uốn quanh. Chùa Cầu được xây dựng từ thế kỷ 16, vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc cũ.

Nhà thờ Đức Ông chùa Cầu được tu bổ, tôn tạo 

Nhà thờ Mẫu được xây dựng khang trang

Tương truyền, chùa Cầu tọa lạc ở xóm Đò xưa (xóm Ngọc ngày nay) là nơi Nhân dân và khách thập phương thường xuyên lui tới cửa thiền thanh tịnh để trao gửi tâm tư, nguyện vọng của mình. Vì “cầu được, ước thấy” nên dân gian quen gọi chùa Cầu. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, biến động xã hội, ngôi chùa xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương, sự ủng hộ của Nhân dân và bà con xóm Ngọc, các phật tử gần xa đã đem tâm công đức tu bổ, tôn tạo và mở rộng khuôn viên của chùa.

Cắt băng khánh thành nhà Dâng lễ chùa Cầu

Đông đảo đại biểu, khách thập phương và bà con Nhân dân dự Lễ khánh thành

Nghi thức dâng hương thành kính, trang nghiêm

Tính từ năm 2006 đến nay, chùa Cầu được tu bổ, tôn tạo 11 lần với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Xây dựng lại nhà thờ Đức Ông trên cơ sở vẫn bảo lưu dáng vẻ kiến trúc cũ, tô lại tượng Phật, mở rộng sân chùa, xây dựng nhà thờ Mẫu, làm cổng chùa, tường bao, lát sân… Đặc biệt, từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023 tiến hành xây dựng nhà Dâng lễ. Khuôn viên chùa Cầu ban đầu chỉ có 100m2, giờ đây được mở rộng tới 700m2. Có được ngôi chùa khang trang, đẹp đẽ như ngày nay, ngoài công sức của nhiều phật tử và bà con Nhân dân xóm Ngọc, còn có sự đóng góp rất lớn của chủ nhang Cấn Thị Quyền. Cùng với việc ủng hộ nguồn kinh phí, bà đã kêu gọi các nhà hảo tâm, Nhân dân địa phương phát tâm công đức tiền bạc, nhân lực, vật chất để xây dựng chùa.

Giao lưu văn nghệ chào mừng Lễ khánh thành

Trong niềm hoan hỉ, được sự cho phép của chính quyền địa phương, ngày 20, 21/5/2023 (tức ngày mùng 2, 3/ 4 năm Quý Mão), Ban Quản lý di tích chùa Cầu cùng bà con Nhân dân xóm Ngọc tổ chức khánh thành nhà Dâng lễ, đưa công trình vào sử dụng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân và phật tử gần xa. Nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa diễn ra như: Các trò chơi dân gian (đi cầu khỉ, trèo cây chuối, đập niêu, thi bơi cướp cờ); giao lưu văn nghệ; dâng lễ vào chùa; cắt băng khánh thành; dâng hương… đọng lại trong lòng mỗi người biết bao cung bậc cảm xúc xen lẫn tự hào.

Chùa Cầu không chỉ là điểm đến sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, biết ơn những người có công với dân, với nước, biết ơn các vị thánh thần đã che chở, phù hộ, độ trì cho các thế hệ cháu con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mạnh khỏe, an vui. Chùa Cầu giờ đây còn thu hút nhiều khách thập phương đến vãng cảnh, chiêm bái.

Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *