Sự kiện

Hà Nội trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho 66 Nghệ nhân

Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú nhằm tôn vinh những cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội, đồng thời động viên, khích lệ các thế hệ tiếp nối, phát huy vốn văn hóa quý báu cha ông truyền lại. 

Tối 20/12/2022, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III, năm 2022. Đến dự có các đại biểu: PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng và PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho nghệ nhân

 Theo Quyết định số 1020/QĐ-CTN ngày 09/9/2022 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”; Quyết định số 1021/QĐ-CTN ngày 09/9/2022 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú”; Quyết định số 1022/QĐ-CTN ngày 09/9/2022 của Chủ tịch nước về việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú”, Hà Nội có 66 nghệ nhân được trao tặng, truy tặng trong đợt  này bao gồm 11 Nghệ nhân Nhân dân và 55 Nghệ nhân Ưu tú. Trong đó, 11 Nghệ nhân Nhân dân thuộc các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian : 04 Nghệ nhân (Ca trù, diều sáo, hát dô, xẩm, hát văn); Trình diễn dân gian : 03 Nghệ nhân (hát văn, hát dô); Tri thức dân gian: 03 Nghệ nhân (ẩm thực, tò he); Tập quán xã hội và tín ngưỡng (thờ Mẫu) : 01 Nghệ nhân. Huyện Phú Xuyên là đơn vị có nhiều nghệ nhân được phong tặng nhất với 20 nghệ nhân, trong đó có 2 Nghệ nhân Nhân dân 18 Nghệ nhân Ưu tú. Tiếp theo là huyện  Quốc Oai (10 nghệ nhân), huyện Đông Anh (9 nghệ nhân)…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng  và PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam,trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân

Về loại hình, năm nay, nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng chiếm số đông nghệ nhân được vinh danh với 18 trường hợp; tiếp đó là các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian ca trù, tri thức dân gian nặn tò he đều có 9 nghệ nhân được vinh danh nhờ những đóng góp tích cực trong bảo vệ, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản.

Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nhằm tôn vinh những cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội; đồng thời động viên, khích lệ các thế hệ tiếp nối, phát huy vốn văn hóa quý báu cha ông truyền lại.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã và luôn có những chính sách quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Trên địa bàn Thành phố có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện và kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó có Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca trù được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO; 26 di sản thuộc nhiều loại hình được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những giá trị di sản văn hóa này không chỉ đang được phát huy trong đời sống hàng ngày tại các cộng đồng thôn, làng mà còn từng bước được giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế. Những thành quả trên có phần đóng góp to lớn của các Nghệ nhân – những người sáng tạo, gìn giữ, phát huy và trao truyền lại cho các thế hệ kế tiếp để các loại hình di sản văn hóa truyền thống được tồn tại, phát triển cùng với sự phát triển chung của xã hội.

Tổng qua 3 lần phong tặng, truy tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước, Thành phố có 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú – dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng. Đây không chỉ là niềm vinh hạnh đối với các Nghệ nhân, gia đình mà còn là niềm niềm vui lớn đối với cộng đồng, các ngành, các cấp của Thành phố Hà Nội.

Tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XVI (diễn ra từ ngày 5-8/12/2022), HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định về việc đãi ngộ, hỗ trợ đối với các Nghệ sĩ, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố với mục tiêu bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố đúng định hướng, phát huy có hiệu quả, tránh nguy cơ mai một, thất truyền, hỗ trợ giáo dục lịch sử, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân; Góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Nghệ nhân, các Câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có điều kiện thuận lợi trong việc thực hành, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

 

Nghệ nhân Nhân dân Lưu Ngọc Đức (quận Hoàn Kiếm), đại diện cho các nghệ nhân được trao tặng danh hiệu đợt này, phát biểu tại Lễ trao tặng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: “Đây là sự ghi nhận, tôn vinh xứng đáng, kịp thời của Đảng, Nhà nước dành cho các Nghệ nhân, những con người đã dành trọn cả cuộc đời để lưu giữ, trao truyền những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý báu của Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đây là những người đóng góp quan trọng trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và trao truyền di sản cho thế hệ mai sau, là những người làm cho di sản văn hóa luôn sống cùng đời sống con người.”

Thay mặt cho các đồng chí lãnh đạo Thành phố, đồng chí  cũng bày tỏ mong muốn: “Các Nghệ nhân bằng tâm huyết và lòng say mê nghề nghiệp, tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho văn hóa Thủ đô, cho sự nghiệp xây dựng và kiến thiết quê hương, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và giữ gìn phẩm chất đạo đức của Nghệ nhân đã được Chủ tịch nước công nhận và tôn vinh để luôn gương mẫu trong đời sống hàng ngày, là nhân tố tích cực trong giữ gìn, truyền dạy di sản, làm cho đời sống văn hóa và sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của Thủ  đô ngày càng phát triển”.

Nguyễn Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *