Gia đình

Hạnh phúc gia đình được xây dựng bởi sự tôn trọng, yêu thương và chia sẻ

Sáng 18/10, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Thành Đoàn Hà Nội, Ban Đại diện Hội người cao tuổi Thành phố tổ chức Hội nghị tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Đến dự có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương; Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng; Phó trưởng ban thường trực Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Nguyễn Thế Toàn. Cùng đại diện các phòng, ban: Ban Tuyên giáo Thành ủy, ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành Đoàn Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị

Gia đình là nhân tố đầu tiên và ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình trưởng thành, nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Con người được sinh ra và lớn lên trong mái ấm của gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và quan trọng hơn là được học những bài học đầu tiên về xã hội từ cuộc sống gia đình.
Nhận thức gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, tại Hội nghị, ông Phạm Minh Phúc, UV.BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội cho biết, trong thời gian qua cùng với các cấp, các ngành, Đoàn thanh niên Thành phố luôn coi công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi đặc biệt là gắn với thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ban Thường vụ Thành đoàn đã triển khai tuyên truyền Bộ tiêu chí tới 100% các cơ sở đoàn trực thuộc. Ban Thường vụ Thành đoàn đã thường xuyên xây dựng các tuyến tin bài có liên quan tới việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, những ứng xử văn minh, văn hóa gắn với cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt – Mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên Website, fanpage của Thành đoàn cũng như các cơ sở đoàn trực thuộc. Bên cạnh đó thiết kế và gửi các cơ sở đoàn trực thuộc các Poster, Infographic với nội dung hoạt họa sinh động từ đó nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận với thanh, thiếu niên. Nhiều đơn vị có những mô hình cách làm hay như: Mô hình “Câu lạc bộ Gia đình trẻ” của Huyện đoàn Thường Tín; Mô hình “Câu lạc bộ Tiền hôn nhân” của Quận đoàn Tây Hồ; Mô hình “Câu lạc bộ B93 – Phòng chống tệ nạn xã hội” của Quận đoàn Ba Đình, Quận đoàn Hoàn Kiếm, Huyện đoàn Thanh Trì; Mô hình Câu lạc bộ “Tìm hiểu pháp luật”của Quận đoàn Long Biên, Huyện đoàn Chương Mỹ, Huyện đoàn Thanh Oai … qua đó đã góp phần trang bị thêm những kiến thức cho đoàn viên, thanh niên trong việc xây dựng văn hóa gia đình và các vấn đề liên quan đặc biệt là trong các “Gia đình trẻ”.

Ông Phạm Minh Phúc, UV.BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội

Đại diện Hội người cao tuổi, ông Chung Văn Bình, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm cho rằng, người cao tuổi phải đi đầu về nhận thức và hành động ngay trong từng gia đình và cộng đồng, truyền cảm cách ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu với thông điệp là gương mẫu, yêu thương được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Cha mẹ, ông bà phải làm gương tốt cho con, cháu trong hành động, lời nói, gắn bó, gần gũi với con cháu. Trao dạy các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu chứ không áp đặt. Mọi việc làm của ông bà, bố, mẹ đều là thực tế sinh động, là tấm gương để con cháu ứng xử theo.

Ông Chung Văn Bình, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm

Cùng đồng tình với ý kiến trên, chia sẻ về gia đình mình tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Vinh Quy (Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm) cho biết, gia đình bà có 3 thế hệ, gồm 12 thành viên luôn gắn kết với nhau “bởi phương châm ứng xử của gia đình tôi gói gọn trong 6 chữ “Tôn trọng – Yêu thương – Chia sẻ”. Nhờ có “Tôn trọng – Yêu thương – chia sẻ” mà chúng tôi đã luôn quan tâm đến nhau, dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất mà nhiều khi không nghĩ đến bản thân mình. Gia đình thuận hòa, vợ chồng chung thủy, cùng nhau san sẻ công việc và trách nhiệm đối với gia đình, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Các cháu thì hiếu thảo, lễ phép với ông bà, bố mẹ, đặc biệt, biết quan tâm đến tuổi già của ông bà, không sống ích kỷ, không có những đòi hỏi cá nhân. Các con chúng tôi luôn trân trọng điều đó và tạo điều kiện để chúng tôi “sống vui – sống khỏe – sống có ích”. Ngược lại, chúng tôi cũng phải hiểu các con mình đi làm rất vất vả, chịu không ít áp lực, nên lại luôn luôn có cách để động viên các con, trợ giúp các con khi cần thiết và lắng nghe những điều các con góp ý cho mình, dành cho các con quyền quyết định công việc gia đình một cách hợp lý. Các cháu cũng luôn được quan tâm trên tinh thần được tôn trọng, được hỏi và đóng góp ý kiến, tham gia bàn bạc vào công việc gia đình, tùy theo mức độ và có sự điều chỉnh tế nhị của người lớn, do vậy các cháu cũng phấn khởi rằng mình không bị coi là trẻ con. Già, trẻ, lớn, bé trong nhà được đối xử bình đẳng, không có sự áp đặt, không theo lối gia trưởng nhưng phải có kỷ cương, có tôn ty trật tự. Những việc làm tốt, những sở thích chính đáng đều được khích lệ nhưng vẫn phải có sự chấn chỉnh, uốn nắn khi cần”.

Bà Nguyễn Thị Vinh Quy (Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm)

Xã Phú Cường (huyện Ba Vì) là một trong những xã được Sở Văn hóa và Thể thao lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình từ năm 2019. Ông Đỗ Quang Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường, huyện Ba Vì cho biết, qua hơn 4 năm thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhận thức của người dân về sự cần thiết thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được nâng lên rõ rệt. Việc vận động các gia đình thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã góp phần củng cố thêm các mối quan hệ trong gia đình được yêu thương và gắn kết hơn. Những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình được giải quyết, các thành viên trong mỗi gia đình đã thực sự được tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ với nhau hơn. Từ việc thực hiện tốt bộ tiêu chí đã góp phần củng cố các mối quan hệ giữa các gia đình trong địa phương với nhau, từ đó tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân, được thể hiện qua sự tin tưởng vào công tác lãnh đạo của cấp ủy chi bộ và các tổ chức đoàn thể trong thôn, các phong trào thi đua của địa phương được các gia đình tích cực tham gia và ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Bộ tiêu chí còn những tồn tại, hạn chế: Đối với một bộ phận nhỏ người dân, việc đăng ký, thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đôi khi còn mang tính hình thức. Kinh phí để triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức toạ đàm, in ấn tài liệu thực hiện bộ tiêu chí tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng chung trăn trở về những khó khăn, bà Sái Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hà, huyện Đan Phượng cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử về gia đình, nhưng việc triển khai và thực hiện Bộ tiêu chí vẫn gặp nhiều khó khăn như: Cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền mặc dù được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng truyền thông nhưng vẫn còn hạn chế, công tác tuyên truyền đôi lúc còn chưa sâu rộng. Một số gia đình vẫn thường xuyên mâu thuẫn nội bộ, to tiếng, cãi vã nhau. Tỷ lệ gia đình trẻ ly hôn có xu hướng tăng. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhu cầu và lợi ích của chị em phụ nữ gắn với thực hiện phong trào “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyên trang, chuyên mục trên các nền tảng xã hội nhằm tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các gia đình điển hình trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử.

Ông Đào Xuân Dũng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Xuân Dũng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hội nghị là một hoạt động thiết thực nhằm đúc kết, tìm ra và lan tỏa những cách làm hay trong việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố. Ông Đào Xuân Dũng mong muốn trong thời gian tới, các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các tiêu chí về gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức, thông qua các hội nghị hội thảo, các hoạt động sân khấu hóa… nhằm triển khai có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kết luận tại Hội nghị.

Kết luận tại Hội nghị, bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định: Qua các bài tham luận có thể khẳng định vai trò, vị trí của công tác gia đình, cùng vai trò, trách nhiệm của Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…, của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó có một bức tranh nhận diện khá cơ bản để có những đề xuất với Thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác gia đình. Qua các bài tham luận cũng cho thấy sự cần thiết của việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử. Ban tổ chức hoàn toàn tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, những địa phương, đơn vị, những con người đã trực tiếp triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử, tiếp thu những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ được nêu tại Hội nghị trong quá trình triển khai và sẽ có báo cáo với Thành phố.

Hòa An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *