Sự kiện

Hội thảo “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chia sẻ những góc nhìn về lợi thế, tiềm năng, thách thức và cơ hội khi xây dựng đề án Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng trở thành một không gian xanh, không gian sáng tạo giữa lòng Thủ đô…

Ngày 24/11, tại Hội trường Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã diễn ra Hội thảo “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”. Hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Chương trình định cư Liên hợp quốc và UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ phối hợp tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo

Tới dự Hội thảo có các đại biểu: Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; bà Trần Thj Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cùng đại diện các sở, ngành, các chuyên gia quốc tế và trong nước thuộc các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, kinh tế, xã hội…

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Hội thảo được tổ chức nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO. Với tâm huyết của các nhà khoa học, kiến trúc sư, chuyên gia trong và ngoài nước, các quận có liên quan, hội thảo cùng chia sẻ những góc nhìn về lợi thế, tiềm năng cũng như thách thức và cơ hội khi xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, hướng tới việc khai thác hiệu quả quỹ đất, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.Đồng thời, những bài học kinh nghiệm của thế giới và trong khu vực sẽ được giới chuyên môn nghiên cứu, đề xuất những giải pháp khai thác tốt các giá trị văn hóa, lồng ghép nhuần nhuyễn với kiến trúc sinh khí hậu, tạo ra dấu ấn bản sắc riêng cho sông Hồng và Hà Nội phát triển một cách bền vững và sáng tạo”.

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế

Vấn đề khai thác, phát huy giá trị không gian, cảnh quan bãi nổi sông Hồng được đặt ra từ lâu. Song, những năm trước đây, vấn đề này gặp phải “rào cản” về pháp lý, đặc biệt là các quy định về Luật Đê điều. Hiện nay, thành phố đã phát triển định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan của Thủ đô, xây dựng thành phố “quay mặt ra sông”; đồng thời, thành phố cũng đã thông qua Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở), trong đó, thống nhất việc khai thác, phát triển bãi nổi thành Công viên văn hóa đa chức năng. Tuy nhiên, việc cải tạo, khai thác bãi nổi lớn như bãi nổi sông Hồng là điều chưa có tiền lệ, đặc biệt là cần các giải pháp để hài hòa giữa phát triển với bảo vệ cảnh quan, sinh thái; an toàn thoát lũ…Hội thảo nhằm quy tụ các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chia sẻ những góc nhìn về lợi thế, tiềm năng, thách thức và cơ hội khi xây dựng Đề án “Công viên văn hóa  cảnh quan bãi giữa Sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp”.

Hội thảo đã nhận được 35 bài tham luận của các chuyên gia, đại biểu. Hội thảo được lắng nghe các tham luận với các chủ đề: “Thực trạng và định hướng phát triển khu vực bãi giữa và bãi nổi sông Hồng” (KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội); “Từ ký ức sông Hồng đến công viên văn hóa” (TS.KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình); “Khai thác không gian công cộng khu vực bãi giữa sông Hồng – Góc nhìn quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm” (TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm); “Phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng” (Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên); “ Tầm nhìn, tiêu chí lựa chọn và đề xuất một số mô hình phát triển bãi giữa sông Hồng – Tiếp cận từ lý thuyết Hành lang xanh” (TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên, Trường Đại học Xây dựng); “Góc nhìn của các  nhà Quốc hội Úc về Công viên bãi giữa sông Hồng (Diễn giả David Barner- Hansen Patneship); “Hà Nội – Nơi chốn và định hướng phát triển không gian” (KTS Olivier Souquet- Công ty Thiết kế DESO ASIA); “Quận nghệ thuật- Giải pháp phát triển Thành phố Sáng tạo” (KTS Đoàn Kỳ Thanh, Giám đốc Avant Architect); “Dự án Lá phổi xanh Hà Nội” (KTS Nguyễn Đức Trung và nhóm diễn giả đến từ ODDO Architect).

Các ý kiến đều thống nhất việc quy hoạch, cải tạo bãi nổi sông Hồng tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, nhiều chuyên gia thống nhất việc cải tạo, xây dựng Công viên văn hóa đa chức năng tại bãi giữa sông Hồng phải tôn trọng yếu tố “xanh”, tức hài hòa giữa bảo vệ cảnh quan với việc triển khai xây dựng các công trình; bảo đảm tuyệt đối an toàn thoát lũ; xây dựng các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ kết nối với bãi nổi một cách hợp lý;  đề xuất những giải pháp để vận hành bãi nổi một cách lâu dài, trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các địa phương hiện đang quản lý bãi nổi; vai trò của cầu Long Biên khi cải tạo bãi nổi thành công viên…

Sau một ngày làm việc tập trung và hiệu quả, Hội thảo đã thành công tốt đẹp với những kết quả tích cực, đã khơi gợi các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hóa – lịch sử trong hình thành các mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước. Hội thảo cũng thể hiện Hà Nội quyết tâm không ngừng đổi mới sáng tạo theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo dựa trên xu thế tiến bộ của thời đại, lấy nền tảng văn hóa truyền thống và tính sáng tạo làm điểm tựa cốt lõi vì mục tiêu phát triển bền vững.

Đức Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *