Sự kiện

Hội thảo về phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”: Nhiều giải pháp giá trị được đưa ra

Chiều 21/3, Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” khép lại với nhiều ý kiến có giá trị. Trong đó, đã đề cập đến nhóm vấn đề về phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội, cùng các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Bảo tồn di sản văn hóa phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô

Nhận diện nguồn tài nguyên văn hóa của Hà Nội trong phát triển kinh tế, xã hội, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Nội có lợi thế nhiều tài nguyên thiên nhiên, sông hồ đẹp như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng… tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, “so với nhiều tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh…, Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế”.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Về việc khai thác nguồn tài nguyên di tích hiện có tại Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài đánh giá, nhiều di tích của Hà Nội đã phát huy được giá trị như Di tích Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…, điều đó cho thấy các nguồn tài nguyên di tích đã và đang được khai thác tốt. Từ thực tiễn, PGS.TS Đặng Văn Bài kiến nghị Thành phố cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng; Nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công – tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; Tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; Đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hóa – mũi nhọn kinh tế mà Hà Nội có nhiều lợi thế và tiềm năng so với các địa phương khác trong cả nước; Ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng, tạo sinh kế cho cộng đồng thông qua các dịch vụ văn hóa do cộng đồng tự sáng tạo và quản lý.

Cùng khẳng định công nghiệp văn hóa là một trong những mũi nhọn của Hà Nội trong phát triển kinh tế – xã hội, GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đặt ra vấn đề về phát triển thủ công mỹ nghệ, được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa then chốt của Việt Nam. Với hệ thống làng nghề vô cùng phong phú, các sản phẩm đa dạng và đặc sắc, năng lực xuất khẩu ngày càng tăng, dư địa phát triển còn lớn, đây là ngành được thành phố Hà Nội xác định là một trong 6 ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, cần ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.

GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

GS.TS Từ Thị Loan cho biết: “Hiện nay, ở khu vực châu Á, Việt Nam đang giữ vị trí thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ đứng sau Trung Quốc. Chúng ta đang có cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế của ngành hàng này trong bối cảnh chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng cao, giá đồng nhân dân tệ mạnh lên, các nhà nhập khẩu quốc tế có xu hướng tìm kiếm nguồn hàng từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Ngành thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đang góp phần hình thành hàng ngàn nhà sản xuất, thương gia, nhà xuất khẩu và các công ty dịch vụ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thủ đô đang từng bước “lột xác” để trở thành những món đồ sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Để củng cố và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội như một nguồn vốn văn hóa, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các Hiệp hội, thì rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất của Nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan chức năng thì mới có thể sớm đi tới thành công và phát triển bền vững”.

Sông Hồng – Trục phát triển chủ đạo của Thăng Long – Hà Nội

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh với tham luận: Sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, cho biết, trong tâm thức người Hà Nội, sông Hồng không chỉ là dòng sông mẹ nuôi dưỡng con người, mà theo dòng chảy thời gian, sông Hồng đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử của đất nước, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh

Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại. Tạo nên những giá trị mới cho Thành phố nghìn năm văn hiến, thúc đẩy nền kinh tế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

“Để hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quá trình triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư rất cần được xem xét kỹ, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự triển khai các dự án, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, các không gian sáng tạo đem lại sự sôi động, náo nhiệt, hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, năng động; xứng tầm thương hiệu “Thành phố sáng tạo”” – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh.

Khẳng định sông Hồng là trục phát triển chủ đạo của Thăng Long – Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, khẳng định: Sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn tiến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của nó, đặc biệt là khu vực Hà Nội – trung tâm của châu thổ.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Ngày 25/3/2022, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, tập trung nguồn lực xây dựng các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn, các công trình công cộng hiện đại tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông, góp phần khẳng định tầm thế mới của Thủ đô Văn hiến-Văn minh-Hiện đại vào năm 2030.

Theo ông, Hà Nội ngày nay đang hội đủ được các điều kiện Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, trở lại với điều kiện tự nhiên vốn có, với nhịp sống của thiên nhiên, với bề dày truyền thống ngàn năm Văn hiến-Anh hùng và đang vươn lên hội nhập với xu thế phát triển chung của khu vực và của thời đại. Ngày 3/3/2023, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đến năm 2025 thành các quận nội thành, riêng Đông Anh và Gia Lâm sẽ trở thành quận nội thành ngay trong năm 2023. Tất cả các quận, huyện này đều nằm ở hai bên bờ sông Hồng, trong đó, hai huyện đi đầu là Đông Anh và Gia Lâm đều nằm ở tả ngạn. Đây là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông Hồng lịch sử, phát triển Thủ đô cân đối-hài hòa, nhanh-mạnh-bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng.

Cũng tại Hội thảo, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết, mối quan hệ giữa Hà Nội và UNESCO không chỉ bắt đầu từ năm 2019 khi Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thiết kế, mà còn “sâu, xa” hơn khi Hà Nội trở thành “Thành phố Vì hòa bình”, và nền tàng hòa hợp xã hội cũng như nguồn lực văn hóa từ 2 bên. Nhận định thành phố Hà Nội đang đi đúng hướng trong chương trình “Thành phố sáng tạo”, ông Christian Manhart một lần nữa cam kết sẽ đồng hành cũng như hỗ trợ Hà Nội, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đóng góp ý kiến

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày tiềm năng, thách thức của Hà Nội, đồng thời, đưa ra những giải pháp, gợi ý giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart tán thành việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; đặc biệt tập trung vào yếu tố con người, bởi con người là chủ thể tạo ra di sản… Ngoài ra, ông Christian Manhart cũng đề cao quan điểm nhấn mạnh vào công nghiệp văn hóa và sáng tạo như một động lực cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Liên quan đến Quy hoạch sông Hồng, để đưa sông Hồng về một phần của cuộc sống, kết nối con người, từ đó, phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô…

Nhiều giải pháp giá trị được đưa ra tại hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học, GS.TS Phùng Hữu Phú, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, quan trọng. Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, thảo luận sôi nổi, hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của gần 300 nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu với 77 tham luận; lắng nghe 26 ý kiến, tham luận, trao đổi…

Đây không phải là nhìn lại một lần nữa văn hóa Hà Nội một cách đơn giản mà bàn về văn hóa với tinh thần kế thừa, đặt ra nhiều vấn đề mới; vừa mang tính lý luận, tổng kết thực tiễn, phục vụ trực tiếp lãnh đạo xây dựng Thủ đô, ứng dụng vào đời sống.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội

“Các ý kiến tham luận, phát biểu tiếp cận phong phú, toàn diện từ văn hóa học, sử học, khảo cổ học, xã hội học, kinh tế học của cán bộ khoa học các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học có uy tín… Qua đó, thể hiện tri thức được ấp ủ từ lâu. Mà cao hơn là sự gửi gắm nhiều trăn trở, tâm huyết và tình yêu sâu nặng về Hà Nội”, GS.TS Phùng Hữu Phú, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, có những giải pháp về tầm lý luận, có giải pháp rất cụ thể. Hội thảo với các nội dung chính: Xoay quanh nhận diện về Thủ đô Hà Nội; Giá trị và nguồn lực của văn hóa Hà Nội; phát huy các giá trị nguồn lực cho văn hóa… Hội thảo đã nhận diện rõ hơn nữa những giá trị quý báu cũng như nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú của Thủ đô. Từ đó, đưa ra những giải pháp quan trọng, khẳng định việc phát huy nguồn lực trong nước là yếu tố quyết định, nguồn lực quốc tế là yếu tố quan trọng; các phương thức biến đổi từ “tiềm năng” thành “động năng”, từ “tiềm lực” thành “động lực”; cần xây dựng cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài…

Thái Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *