Văn hóa cơ sở

Huyện Thanh Trì tập huấn công tác chuyển đổi số ngành văn hóa  

Qua lớp tập huấn giúp các học viên nắm bắt được các định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch từ đó thay đổi nhận thức, cách làm và mở ra những cách thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển của ngành văn hóa, du lịch huyện Thanh Trì.

Vừa qua, Trung tâm Chính trị  và Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Trì khai mạc lớp tập huấn công tác chuyển đổi số ngành văn hóa. Tham dự lớp tập huấn có các đồng chí trong Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện, lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các xã, thị trấn; lãnh đạo các ngành, đoàn thể xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Quang cảnh lớp tập huấn

Ảnh: Phương Xuyến

Tại lớp tập huấn, học viên được nghe Tiến sỹ Lê Quang Minh – Phó Viện trưởng Viện công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu các nội dung: Chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; Phương pháp luận về chuyển đổi số; Chuyển đổi số ngành Văn hóa -Thể thao – Du lịch; Chuyển đổi số lĩnh vực Du lịch, quản lý di tích, lễ hội tại huyện Thanh Trì. Các học viên cũng trao đổi, thảo luận với giảng viên nhiều nội dung liên quan đến xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, quản lý di tích, lễ hội.

Tiến sỹ Lê Quang Minh trao đổi tại lớp tập huấn

Ảnh: Phương Xuyến

Huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống, trong đó có 88 di tích đã được xếp hạng (65 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 23 di tích xếp hạng cấp thành phố); 8 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Đặc biệt, hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú (xã Liên Ninh); đình Triều Khúc, đình Yên Xá (xã Tân Triều) được công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Cùng với đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương. Đặc biệt, huyện Thanh Trì được UBND Thành phố công nhận 5 điểm du lịch là xã Đại Áng, Yên Mỹ, Thanh Liệt, Tam Hiệp và Duyên Hà.

Với mong muốn xây dựng huyện Thanh Trì trở thành một trong những huyện trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2023, huyện Thanh Trì đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và Hiệp hội doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch di sản, làng nghề, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn; xây dựng Đề án thuyết minh về ý tưởng, các hạng mục cần đầu tư và cách thức vận hành sản phẩm du lịch trải nghiệm mới theo tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên.

Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững ngành du lịch, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa – du lịch. Huyện Thanh Trì tiếp tục chỉ đạo các đơn vị áp dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý và phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch của huyện, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thông qua lớp tập huấn giúp các học viên nắm bắt được các định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch từ đó thay đổi nhận thức, cách làm và mở ra những cách thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển của ngành văn hóa, du lịch huyện Thanh Trì.

Thanh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *