Tin ngành

Nhiều ý tưởng nhằm hiện thực hóa Công viên Văn hóa đa chức năng

Những ý kiến thể hiện sự tâm huyết, kỳ vọng biến bãi giữa sông Hồng thành một không gian đậm chất văn hóa Việt Nam, có ích và cuốn hút cộng đồng trong các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí và góp phần khai thác dịch vụ du lịch ngày càng hấp dẫn cho Hà Nội.

Trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Hội thảo “Công viên Văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức đã thành công tốt đẹp. Hội thảo nhận được 35 ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, cơ quan quản lý. Những ý kiến thể hiện sự tâm huyết, kỳ vọng biến bãi giữa sông Hồng thành một không gian đậm chất văn hóa Việt Nam, có ích và cuốn hút cộng đồng trong các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí và góp phần khai thác dịch vụ du lịch ngày càng hấp dẫn cho Hà Nội.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế

Bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 307ha trải dài qua địa phận của 4 quận: Hoàn Kiếm (23 ha), Long Biên (180,2 ha), Tây Hồ (90,7 ha) và Ba Đình (13,1ha). Quá trình đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội diễn ra nhanh chóng khiến không gian sống ngày càng bị thu hẹp. Người dân thiếu địa điểm vui chơi, giải trí trong khi hàng trăm hecta bãi giữa sông Hồng được sử dụng để trồng hoa màu, nhiều diện tích bị bỏ hoang gây ra sự lãng phí lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bãi giữa còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống trong khu vực. Việc khai thác, phát huy giá trị không gian, cảnh quan bãi nổi sông Hồng đã được đặt ra từ lâu. Song, những năm trước đây, vấn đề này gặp phải “rào cản” về pháp lý, đặc biệt là các quy định về Luật Đê điều.Hiện nay, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo.

Cầu Long Biên là thông số quan trọng và tất yếu, cần phải bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nêu bật được tiềm năng lớn của bãi giữa đồng thời đề xuất nhiều ý tưởng để biến khu vực này thành công viên đa chức năng.

KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của khu vực bãi nổi sông Hồng, KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, mặc dù sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ là đoạn ngắn so với chiều dài toàn tuyến nhưng đóng góp rất lớn đối với sự hình thành yếu tố cảnh quan và là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô.

Các bãi bồi, bãi giữa là nơi trú đông, làm tổ, sinh sống của nhiều loài chim hoang dã, chim di cư

Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tuyên (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, bãi giữa như “viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô khi lâu nay, nơi đây trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú. Tổ hợp cảnh quan cầu Long Biên, bãi giữa sông Hồng trong khung cảnh bình minh và hoàng hôn đã trở thành biểu tượng đặc trưng của thành phố Hà Nội.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam: “Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả vùng Thủ đô và thành phố Hà Nội”.

TS. KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại Hội thảo

Khẳng định tiềm năng to lớn của bãi giữa, TS. KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá : “Khu vực bãi giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng Xanh, Sinh thái và Văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch sẽ cảm nhận một không gian sống mật độ cao, tích  tụ  nhiều tầng văn hóa mà còn được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên sinh thái xanh trên mặt nước”.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế ấy, tại Hội thảo, các chuyên gia, kiến trúc sư đã đề xuất mô hình phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng.

Theo đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, để từng bước hiện thực hóa định hướng xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, trước hết thành phố Hà Nội cần nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và từ thành phố phía Bắc, xây dựng các quảng trường, đài vọng cảnh để tận dụng các không gian khoáng đạt của cảnh quan bầu trời, mặt nước, xây dựng các công trình tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân và du khách.

Trong khi đó, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ngoài hệ thống cầu, thành phố nên tập trung thiết lập các tuyến giao thông ngầm dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ; tổ chức các vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan, cần lựa chọn hệ sinh thái khả thi với đặc điểm vùng cận sông, vùng ngập nước; thay thế cơ bản tuyến đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông với cao độ và độ bền tương ứng… “Các mô hình thí điểm cần ứng dụng khoa học – công nghệ trong tổ chức không gian, vật liệu xây dựng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật để thích ứng với biến đổi mực nước”- TS.KTS Phan Đăng Sơn  nhấn mạnh.

Còn theo TSKS Bạch Quốc Khang, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia nông thôn mới thì : “Công viên bãi giữa cần độc đáo riêng có, tạo ra ham thích mới cho người dân Thủ đô và khách du lịch. Đó nên là hình ảnh và chất liệu chắt lọc của làng quê đồng bằng sông Hồng: Giữ lại không gian êm đềm, thanh bình; tạo lập các góc chủ đề kiểu “làng lúa  làng hoa” … Đồng thời khai thác mạnh các ý tưởng như: Tái hiện văn hóa vùng miền độc đáo; tạo lập bảo tàng sống về lịch sử kiến tạo sông Hồng gắn với các truyền thuyết dân tộc Việt, với ký ức kinh đô Thăng Long vươn lênở trong sông”.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất cần tổ chức cảnh quan bình dị, mang hơi thở làng giàu bản sắc và giàu tính chất sinh thái bản địa; tổ chức tiểu cảnh đều khắp. Bãi giữa nên hướng về quy hoạch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao với kết nối đặc sắc vùng miền.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên, công viên đa chức năng thuộc khu vực bãi giữa sông Hồng là điểm nhấn của trục cảnh quan sông Hồng, chúng ta cần xác định rõ cầu Long Biên là thông số quan trọng và tất yếu, cần phải bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của cây cầu để tạo sự kết nối trong trục cảnh quan.

Đồng  quan điểm này, TS.KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình “Những di sản kiến trúc đặc trưng của Hà Nội như cây cầu Long Biên cổ kính, chợ Đồng Xuân… cần được gắn kết để tạo ra giá trị cao hơn”…

Đây là những ý kiến tâm huyết, sẽ được Sở Văn hóa và Thể thao tập hợp, đề xuất lên Thành phố thông qua, để bổ sung vào các quy hoạch của Thủ đô, nhằm sớm đưa kỳ vọng này trở thành hiện thực trong thời gian tới.

Phú An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *