Văn hóa cơ sở

Phúc Thọ tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh

Với định hướng và mục tiêu phát triển văn hóa Phúc Thọ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần độc lập tự cường của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ sẽ tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; triển khai công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển, kết nối du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Ngày 11/1, tại huyện Phúc Thọ, Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố do Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, nắm bắt thực trạng các điểm di tích lịch sử, đền, chùa thuộc các xã Liên Hiệp, Hiệp Thuận, Hát Môn.
Hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thống kê, rà soát, lập kế hoạch và bố trí vốn ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích được phân cấp quản lý, đưa các di tích trở thành điểm không gian văn hóa, thu hút, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra thực trạng các di tích trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Qua kiểm tra, đa số các di tích được xây dựng bằng chất liệu gỗ, có niên đại xây dựng cách đây hàng trăm năm, trải qua thời gian, ảnh hưởng của thời tiết nên hiện nay, nhiều di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, huy động bằng nhiều nguồn vốn, song số lượng di tích xuống cấp nhiều trong khi kinh phí tu bổ, tôn tạo rất lớn nên chưa đáp ứng được so với thực tế. Việc quy hoạch và quản lý các di tích quốc gia đặc biệt còn nhiều khó khăn do phân cấp quản lý và mô hình quản lý. Nhiều di tích phải dùng các biện pháp chống đỡ tạm thời để chống sập chống đổ. Bên cạnh đó còn có các hạng mục, chi tiết kiến trúc xây dựng tạm, chắp vá và chưa đúng truyền thống, nhiều di tích còn thiếu các hạng mục cần thiết trong di tích theo kiến trúc truyền thống… chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

Tại buổi kiểm tra, huyện Phúc Thọ đã đề xuất nhu cầu đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích giai đoạn 2022-2025, dự kiến đầu tư và đề nghị UBND Thành phố hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục dựng, chống xuống cấp các di tích quốc gia đặc biệt, di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, với định hướng và mục tiêu phát triển văn hóa Phúc Thọ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần độc lập tự cường của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ sẽ tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện; triển khai công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển, kết nối du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Phúc Thọ tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh.

Qua kiểm tra, nắm bắt thực trạng tại các di tích lịch sử, đền, chùa tại các xã trên địa bàn huyện Phục Thọ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị chính quyền các xã cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý di tích; tích cực tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ kinh phí để tu bổ, tôn tạo các hạng mục đã bị xuống cấp. Đồng thời, bà Trần Thị Vân Anh cũng khẳng định, trong thời gian tới, chính quyền Thành phố sẽ chủ động thống kê, rà soát, xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo để huy động các nguồn lực xã hội hóa và kiến nghị Thành phố bố trí kinh phí để kịp thời trùng tu, tôn tạo nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, du lịch tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương khi đến với huyện Phúc Thọ.

PT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *