Văn hóa cơ sở

Quận Hà Đông giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội

Trong những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn quận có sự chuyển biến tích cực. Các lễ hội được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân…

Quận Hà Đông có mật độ di tích lịch sử, văn hóa lớn, cùng với đó là nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trên địa bàn quận có 142 di tích, trong đó 92 di tích đã được xếp hạng (51 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 41 di tích xếp hạng cấp thành phố).

Quận Hà Đông có 48 lễ hội truyền thống. Trong những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn quận có sự chuyển biến tích cực. Các lễ hội được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại lễ hội được bảo đảm. Thông qua lễ hội góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, vùng đất, con người Hà Đông đến với Nhân dân và du khách.

Lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn quận vui tươi, an toàn. Ảnh minh họa

Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, là dịp để người đời sau bày tỏ lòng tri ân với thế hệ trước và những nhân vật được tôn kính như các vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công xây dựng, bảo vệ làng, truyền nghề cho làng… Tiêu biểu như lễ hội truyền thống Hà Trì tôn thờ Đức Đô Hồ Đại Vương, lễ hội Đa Sỹ tôn thờ Danh y Hoàng Đôn Hòa, lễ hội Vạn Phúc tôn thờ bà Ả Lã Đê Nương tôn vinh tổ nghề, lễ hội Giã La với trò diễn tích Đức Thành hoàng Đương Cảnh Công đánh hổ cứu giúp Nhân dân… Theo quy ước của các tổ dân phố, năm thường thì tổ chức hội lệ quy mô tiểu đám với nghi thức đơn giản như mở cửa đình, chùa, miếu làm lễ dâng hương; tổ chức một số trò chơi dân gian, diễn xướng văn hóa, nghệ thuật. Từ 3 đến 5 năm tuỳ điều kiện kinh tế của địa phương thì tổ chức đại đám với nghi thức trang trọng, hoành tráng cả phần lễ và phần hội. Tại các lễ hội trên địa bàn quận thường diễn ra hoạt động văn hóa văn nghệ mang nét đặc sắc của từng địa phương như múa rồng Kiến Hưng, hát chèo La Dương, hát ca trù Yên Nghĩa, hát xẩm Cầu Đơ, hát văn Phú Lương…

Lễ hội truyền thống ngày càng có vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Việc giữ gìn nét đẹp truyền thống trong lễ hội, hạn chế hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tạo ra một mùa lễ hội an toàn, tươi vui, góp phần vun đắp và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *