Chưa được phân loại

Tăng tốc ”phủ sóng” nhà văn hóa thôn, làng

Không bố trí được kinh phí và quỹ đất xây dựng là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thôn, làng trên địa bàn Hà Nội vẫn thiếu nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa – thể thao, nâng cao đời sống tinh thần. Thực trạng này đặt ra những yêu cầu về việc tháo gỡ […]

Không bố trí được kinh phí và quỹ đất xây dựng là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thôn, làng trên địa bàn Hà Nội vẫn thiếu nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa – thể thao, nâng cao đời sống tinh thần. Thực trạng này đặt ra những yêu cầu về việc tháo gỡ khó khăn, tăng tốc “phủ sóng”, hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020, 100% thôn, làng có nhà văn hóa.

Hà Nội đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020, 100% thôn, làng có nhà văn hóa. Trong ảnh: Nhà văn hóa thôn Giao Tác (xã Liên Hà, huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

187 thôn, làng vẫn “trắng” nhà văn hóa

Do thiếu kinh phí nên nhiều năm qua, dự án xây dựng nhà văn hóa thôn Viên Đình (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến việc hội họp, sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây phải bố trí tạm tại đình làng.

Viên Đình không phải là thôn duy nhất ở huyện Ứng Hòa chịu cảnh đi mượn trụ sở. Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao huyện Ứng Hòa Đặng Đăng Khoa, trên địa bàn huyện hiện có 31/147 thôn, làng thiếu nhà văn hóa, người dân phải tổ chức hội họp, sinh hoạt tại các di tích, nhà mẫu giáo, trụ sở hợp tác xã cũ; trong đó nhiều xã, như: Đông Tiến, Viên Nội… hoàn toàn “trắng” nhà văn hóa.

Tương tự, huyện Ba Vì có tới 18/213 thôn, làng vẫn chưa xây dựng được nhà văn hóa, dù hầu hết đều đã có trong quy hoạch của địa phương. Bà Nguyễn Thị Liên (thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Nhiều năm nay, mỗi khi có việc hội họp, người dân đều phải nhờ trụ sở của Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ đóng trên địa bàn. Việc này không chỉ gây nên những bất tiện trong sinh hoạt cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân”.

Không chỉ hai huyện nêu trên, tình trạng khó khăn về thiết chế văn hóa thôn, làng cũng tồn tại ở nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô. Thống kê mới nhất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện còn 187/2.398 thôn, làng chưa có nhà văn hóa, tập trung nhiều ở các huyện: Phúc Thọ (28/163 thôn, làng); Chương Mỹ (19/203 thôn, làng); Thạch Thất (15/117 thôn, làng)… Thực trạng này có nguyên nhân từ việc thiếu kinh phí xây dựng (158 thôn, làng); chưa bố trí được quỹ đất xây dựng (10 thôn, làng)… Chưa kể, 40 thôn, làng khác dù đã có nhà văn hóa, nhưng do xây dựng đã lâu, nên bị xuống cấp, cần cải tạo để bảo đảm công năng sử dụng.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho biết, một trong những mục tiêu mà Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” (Chương trình 04/CTr-TU) đã đề ra: 100% thôn, làng có nhà văn hóa. Đây là thách thức không nhỏ với nhiều địa phương, nhất là trong việc giải quyết quỹ đất và kinh phí xây dựng.

Chủ động giải pháp hiện thực hóa mục tiêu

Hỗ trợ các địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc, hoàn thành mục tiêu xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có Báo cáo số 88/BC-SVHTT gửi UBND thành phố Hà Nội về kết quả rà soát danh mục nhà văn hóa thôn, làng, đề nghị thành phố hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ 100% vốn từ nguồn ngân sách thành phố, để các địa phương hoàn thành mục tiêu 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng trong năm 2020.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, việc chủ động triển khai giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu mà Chương trình 04-Ctr/TU đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. “Đối với các thôn, làng khó khăn về quỹ đất do vướng quy hoạch, thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiến nghị thành phố chỉ đạo các ban, ngành liên quan hướng dẫn, đề xuất giải pháp thực hiện; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chủ động bố trí kinh phí hoàn thiện trong năm 2020”, ông Tô Văn Động cho hay.

Gỡ khó trong việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà văn hóa khi quỹ đất xây dựng của các địa phương ngày càng eo hẹp, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang đề xuất, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các khu xen kẹt, các công trình sử dụng không hiệu quả để xây dựng nhà văn hóa thôn, làng. Điều này nhằm khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng nói riêng ở thôn, làng.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, việc quan trọng không kém là cơ chế, kế hoạch khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả công năng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. “Nhiều nơi, nhà văn hóa mới chỉ khai thác được công năng ở nội dung hội họp, rất lãng phí. Nếu có cơ chế sử dụng, khai thác hợp lý, thiết chế văn hóa sẽ phát huy tối đa hiệu quả; đồng thời, mang lại nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động văn hóa của địa phương cũng như bảo dưỡng, duy trì công trình”, ông Trần Văn Lợi nêu.

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/972450/tang-toc-phu-song-nha-van-hoa-thon-lang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *