Di sản

Bảo tồn không gian văn hóa đình làng

​Đình làng luôn có vai trò thiết yếu trong cuộc sống cộng đồng người Việt, đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc điêu khắc dân gian mà còn là kho tàng về di sản văn hóa Việt như lĩnh xướng, lễ hội, truyền thuyết, thần tích…

Kết cấu kiến trúc đình có nhiều thành phần được trạm khắc hình người, niên đại tế kỷ 17 (đình Phùng, Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh Gia Huy
Sáng 10/12, tại Đại học Mỹ thuật đã diễn ra Hội thảo không gian văn hóa đình làng - vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Hội thảo nằm trong chương trình triển lãm “Không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ”.

Hội thảo hướng tới tiêu chí về chức năng của đình làng, giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của đình làng; vai trò của đình làng trong đời sống văn hóa người Việt; hiện vật, tín vật dân gian, kiến trúc, điêu khắc đình làng; các hình thức lĩnh xướng dân gian trong đình làng; đình làng và mối quan hệ với chùa trong đời sống tĩn ngưỡng người Việt; di sản đình làng – vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến về di sản đình làng trong đời sống cộng đồng hiện nay, vai trò đình làng trong đời sống văn hóa người Việt, quá trình văn bản hóa sự tích Thành hoàng làng ở Việt Nam, hình tượng về con người tiêu biểu trong điều khắc kiến trúc đình làng Việt, đình làng ở khu vực đồng bằng Bắc bộ và những vấn đề đặt ra về bảo tồn di sản…

Người cầm rắn, chất liệu thạch cao, niên đại thế kỷ 16 (đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh Gia Huy
Trong đời sống văn hóa người Việt từ xưa tới nay, đình làng đóng vai trò thiết yếu không chỉ không chỉ với yếu tố cộng đồng làng, cư dân sinh hoạt văn hóa, đình làng còn là một thành phần mang tính độc lập, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nơi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức và cũng là nơi tạo nguồn cảm hứng cho người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa làng.

Theo ông Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, đình làng còn là kho tàng về di sản văn hoá Việt như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công mở đất dựng làng, vị tổ nghề…

Đình làng cũng là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, đình làng quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. Không gian văn hóa đình làng Bắc bộ do cộng đồng làng xã tạo dựng nên, xuất phát từ nhu cầu, niềm tin và ước vọng của người Việt.

Bên cạnh vai trò tạo nên những gắn kết trong cuộc sống cộng đồng của làng, đình làng là nơi thể hiện một cuộc sống sống động, mô hình đặc thù với thiết chế văn hóa tín ngưỡng tổng hợp, một không gian văn hóa tiêu biểu trong đó có không gian về nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc, điêu khắc…

Hiện nay, làng xã Việt Nam đặc biệt là ở Bắc bộ có nhiều thay đổi, xu hướng đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng, các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc dần mai một, một số văn hóa ngoại lai dần xâm nhập có xu hướng xa rời hệ thống. Nếu trước đây đình làng là nơi để người dân tham gia vào các hoạt động cộng đồng, nay nhu cầu đó chuyển về gia đình, thôn, xóm.

Các nguyên nhân trên khiến các giá trị truyền thống của đình làng có nguy cơ mai một dần, vì vậy, điều cần thiết là cần có những nghiên cứu hoạt động nghệ thuật, nghiên cứu xã hội có mục đích hướng tới đình làng nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, lưu giữ không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, một không gian văn hóa đình làng từ cha ông để lại.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, không gian văn hóa đình làng được cha ông ta luôn chú trọng gìn giữ, vì vậy chúng ta cần quan tâm đến việc gìn giữ được giá trị văn hóa đình làng, lưu giữ được giá trị để lan tỏa và phát huy được giá trị di sản trong cuộc sống hiện đại.

Triển lãm “Không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ” đang diễn ra tại Đại học Mỹ thuật từ 6 – 19/12/2013.

Gia Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *