Di sản – Bảo tồn

Tọa đàm “Tái thiết di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ  khai  thác sáng tạo và phát huy giá trị”

Tọa đàm đã được nghe 3 bài thuyết trình với các nội dung : “Tái thiết Di sản công nghiệp từ đánh giá đến quản lý và sáng tạo” (TS.KTS Đinh Hải Yến),  “Làng trong mối quan hệ với các dự án phát triển ven đô Hà Nội” (Ths.KTS Phạm Thùy Linh ); “Cải tạo và bảo tồn các khu tập thể cũ ở Hà Nội dưới góc nhìn di sản đô thị” (ThS. KTS Nguyễn Việt Ninh).

Sáng 23/11, tại Hội trường Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Tái thiết di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị”.  Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS.KTS Vương Hải Long, Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ:  Hà Nội có nhiều nhà máy, xí nghiệp. Trải qua thời gian, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã không còn giữ được chức năng như thuở ban đầu, không còn giá trị về mặt vật thể. Nhưng không phải vì thế mà các công trình này mất giá trị, hết giá trị về mặt phi vật thể.  Bản thân mỗi công trình đều chứa đựng trong nó dòng thời gian, giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Trong quá trình phát triển chúng ta phải cân nhắc để ứng xử với các công trình này một cách có văn hóa, có nhân văn để tạo ra một bề dày của đô thị, để tạo ra dòng chảy xuyên suốt theo thời gian, để đảm bảo cho đô thị có “chiều dài” chứ không phải  phải là đô thị trẻ, mới tinh, không có gì về ký ức. Chủ đề của chúng ta hôm nay là một chủ đề nóng, bởi vì Hà Nội có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, trước đây phục vụ cho sản xuất. Theo sự phát triển đô thị hóa, hiện các nhà máy di dời ra khỏi nội đô.  Các nhà máy, xí nghiệp này ở những vị trí rất đẹp, trung tâm… nếu cứ phá bỏ các công trình này thì rất lãng phí…là  xóa sổ các di sản công nghiệp. Việc tái thiết các di sản công nghiệp không phải là vấn đề mới, bản thân các nước tiên tiến trên thế giới đã tái thiết một cách hợp lý để vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại, vừa giữ gìn được di sản. Đó là những kinh nghiệm mà Hà Nội có thể học hỏi. Tại Tọa đàm hôm nay sẽ có thêm các bài thuyết trình của các diễn giả để có thêm những góc nhìn, những chia sẻ, những tư liệu để bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di sản công nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Tọa đàm đã được nghe 3 bài thuyết trình với các nội dung : “Tái thiết Di sản công nghiệp từ đánh giá đến quản lý và sáng tạo” (TS.KTS Đinh Hải Yến),  “Làng trong mối quan hệ với các dự án phát triển ven đô Hà Nội” (Ths.KTS Phạm Thùy Linh ); “Cải tạo và bảo tồn các khu tập thể cũ ở Hà Nội dưới góc nhìn di sản đô thị” (ThS. KTS Nguyễn Việt Ninh).

TS. KTS Đinh Thị Hải Yến

Theo TS. KTS Đinh Thị Hải Yến nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đô thị không ngừng vận động và phát triển, các công trình công nghiệp cũ không chỉ là đối tượng của bảo tồn mà còn là điểm tựa văn hóa, động lực cho phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi thích ứng  các công trình công nghiệp cũ trong cấu trúc không gian đô thị khu vực nội thành Hà Nội  phải được triển khai  bằng các phương thức phù hợp để đảm bảo  đáp ứng nhu cầu trước mắt, lẫn mục tiêu phát triển lâu dài của đô thị”.

Ths.KTS Phạm Thùy Linh

Với Ths.KTS Phạm Thùy Linh, làng là một phần di sản của Hà  Nội. Di sản của làng có thể được xếp thành 3 nhóm  theo chức năng và theo sự biến đổi không gian của chúng. Nhóm đã hòa nhập vào đời sống hiện nay, một nhóm phần nào thích ứng được trong khi nhóm còn lại không phù hợp….Những di sản thích ứng tốt (các di sản tín ngưỡng, tôn giáo) tiếp tục tồn tại; các di sản thích ứng một phần (nhà ở truyền thống): tồn tại nhưng phải điều chỉnh; các di sản không thích ứng (không gian công cộng, đất nông nghiệp, ao, hồ) thì  biến mất. Điều đó cho thấy, những di sản tùy theo mức độ thích nghi với bối cảnh mới sẽ biến mất hoặc tiếp tục tồn tại xen kẽ bên trong không gian làng và đô thị mới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giá trị văn hóa – kiến trúc của làng được giữ gìn trong mối quan hệ với các dự án phát triển đô thị khác.

ThS. KTS Nguyễn Việt Ninh

Khu tập thể cũ là nội dung được ThS. KTS Nguyễn Việt Ninh đi sâu nghiên cứu. Theo Nguyễn Việt Ninh, các khu tập thể cũ chứa đựng nhiều giá trị: Giá trị về mặt lịch sử giá trị về nghệ thuật kiến trúc, giá trị về kỹ thuật – công nghệ; giá trị về văn hóa- xã hội, giá trị sử dụng… Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, khi nhiều nhà cao tầng, nhiều khu chung cư mới mọc lên cũng đồng thời với việc đặt ra và trả lời câu hỏi bảo tồn, phát huy các giá trị này như thế nào?

Quang cảnh Tọa đàm

Các bài thuyết trình thể hiện sự quan tâm, dày công nghiên cứu của các diễn giả. Nội dung phong phú, đề cập đến các đề tài thu hút sự quan tâm của người nghe.  Sau phần thuyết trình, các diễn giả đã dành thời gian trả lời, giao lưu với khán giả có mặt tại Hội trường Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

 Ngọc Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *