Tin ngành

Trưng bày chuyên đề “Phút hồi sinh”

Sáng ngày 10/3, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày chuyên đề “Phút hồi sinh” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng trở về của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày (1973 – 2023); 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023).

Đến dự ra mắt Trưng bày có Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Lão thành cách mạng, Trưởng Ban đại diện chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; ông Trần Khâm – Phó Trưởng ban Ban liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, Phó Trưởng ban đại diện chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; ông Đỗ Đình Hồng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa VN; PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam… cùng đông đảo đại biểu khách mời.

Trưng bày gợi nhớ thời khắc lịch sử hào hùng của những ngày chiến thắng trở về để thế hệ sau càng thêm thấu hiểu và tri ân công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày; để thêm trân quý giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do ngày hôm nay.

Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: “Mở cửa ngục tù”; “Ngày chiến thắng trở về”; “Viết tiếp bản hùng ca”. Ở nội dung “Mở cửa ngục tù” khẳng định sau năm 1954, hệ thống nhà tù, trại giam được đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập khắp miền Nam. Sáu nhà tù, trại giam được mệnh danh là “địa ngục trần gian” lớn nhất miền Nam là: Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp, Thủ Đức. Tại đây, nhiều thủ đoạn tàn khốc đã được áp dụng nhằm đày ải về thể xác, tinh thần tù nhân.

Cảm xúc của các đại biểu khi nghe giới thiệu Trưng bày.

Những hình thức tra tấn ấy đã không khuất phục được sự kiên trung của các chiến sỹ cách mạng. Nhiều tấm gương kiên cường chiến đấu, hy sinh lẫm liệt như câu chuyện của đồng chí Nguyễn Đình Xô với trái tim rực lửa khi bị địch dùng đinh 3 phân đóng vào 10 ngón tay, lấy bao bố trùm lên người mặc cho đồng chí giãy giụa la hét, chúng liên tục dội nước sôi cho đến khi đồng chí tắt thở; đồng chí Nguyễn Văn Ni, Bí thư Đảng ủy phân khu A2 bị đục xương bánh chè và dùng dùi sắt nung đỏ đâm xuyên qua bắp chân; tấm gương “sống anh dũng – chết hiên ngang” của đồng chí Đặng Hồng Sơn khi bị địch tra tấn, đóng 9 chiếc đinh vào cơ thể… Trước khi đày đi Côn Đảo, địch tạm giam và tra tấn nhiều tù nhân tại Khám Chí Hòa – nơi được mệnh danh là ‘trận đồ bát quái” giữa lòng Sài Gòn. Tại pháp trường, sân sau Khám Chí Hòa, chúng đã xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi  vào ngày 15/10/1964…

Sau thất bại liên tiếp ở các chiến trường, đặc biệt là cuộc tập kích 12 ngày đêm bằng không quân ra miền Bắc (12/1972), Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973). Đây là mốc son lịch sử, mở đường cho ngày trở về của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Không thực hiện theo điều khoản đã ký kết, địch thường xuyên dồn trại, luân chuyển tù nhân các nhà tù, chuyển đổi hồ sơ của tù chính trị thành thường phạm… gây nhiều khó khăn cho việc trao trả. Trước tình hình trên, ở nhiều nơi trong đó có Nhà tù Côn Đảo, Trại giam tù binh Phú Quốc, các chiến sỹ đã đấu tranh quyết liệt chống lại âm mưu nham hiểm của địch và chuẩn bị mọi mặt cho ngày chiến thắng trở về.

Nội dung “Ngày chiến thắng trở về” tái hiện các cuộc trao trả tù binh, tù chính trị giữa ta và địch được triển khai từ tháng 2/1973. Các cuộc trao trả diễn ra nhiều đợt tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó hai địa điểm trao trả lớn nhất là sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Sông Thạch Hãn chứng kiến thời khắc đoàn tụ giữa 2 vợ chồng Trung tá Nguyễn Minh Sang và vợ là chị Nguyễn Thị Hà sau nhiều năm bị giam cầm trong các Nhà tù Mỹ ngụy. Giữa những khuôn mặt rạng rỡ của đồng đội, trước ánh mắt tươi cười đầy trìu mến của người chồng, chị dường như lại hơi cúi mặt xuống, một bàn tay chị như đang bám lấy những sợi tóc đã xơ cứng sau những năm bị đày đọa trong ngục tù. Giờ gặp lại nhau, thời gian, sự tra tấn đã hằn sâu trên khuôn mặt và ánh mắt xót xa của chị khi thấy đôi chân không còn nguyên vẹn của người chồng.

Tại Sân bay Lộc Ninh, không may mắn như các đồng đội khác sớm được trao trả, các chiến sỹ ở trại II biệt giam Cần Thơ phải chờ đợi hơn một năm khi kẻ địch không những trì hoãn trao trả mà còn cố tình giết dần, giết mòn những người tù. Đồng chí Vũ Văn Kim cùng các bạn tù tổ chức tuyệt thực 5 ngày để yêu cầu địch thực hiện trao trả theo Hiệp định Paris. Ngày 2/3/1974, đồng chí đã đứng lên, tự rạch liên tiếp vào bụng bằng dao tự chế để phản đối việc trì hoãn. Năm ngày sau (7/3/1974), địch phải trao trả các đồng chí tại sân bay Lộc Ninh. Ngày trở về tự do hôm đó đã in dấu suốt cuộc đời của nữ tù binh Võ Thị Thắng, sau này bà là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Nụ cười chiến thắng của người nữ chiến sỹ cũng chính là nụ cười của sự đoàn tụ, của sự hồi sinh, vỡ òa trong những giọt nước mắt.

Tại Nhà tù Côn Đảo, sau năm 1973 – 1974, kẻ địch vẫn tiếp tục lưu đày nhiều tù nhân. Ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, địch ở Côn Đảo vội vàng di tản nhưng vẫn âm mưu thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Chớp thời cơ, lực lượng tù chính trị đã thành lập Đảng ủy Côn Đảo và đi giải phóng tù nhân bị giam ở các trại. Những người tù đã được trở về quê hương sau nhiều năm tháng bị giam cầm, đày ải khắc nghiệt trên đảo. Đồng chí Lê Văn Thức là một trong những tử tù được trở về đất liền vào tối 4/5/1975.

Nội dung “Viết tiếp bản hùng ca” ca ngợi sau ngày chiến thắng trở về, vượt qua nỗi đau thương tật, hoàn cảnh khó khăn, các cựu tù binh, tù chính trị vẫn vươn lên trong quá trình học tập, công tác với nỗ lực bền bỉ. Luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh tại nơi “địa ngục trần gian” năm xưa, những người tù đã phối hợp với lực lượng vũ trang của địa phương tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, thăm hỏi các bạn tù có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2008, sau những đợt khai quật, hơn 1.300 hài cốt của các liệt sĩ tù binh Phú Quốc đã được tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc tổ chức an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc.

Hoạt cảnh “Phút hồi sinh” tái hiện phút giây lịch sử hào hùng của thời khắc trao trả những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại bờ sông Thạch Hãn.

Hàng năm, Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội tổ chức các cuộc gặp mặt, tri ân các cựu tù chính trị, cựu tù binh. Vào các năm chẵn, nhân kỷ niệm ngày chiến thắng trở về, những cựu tù binh đã trở lại thăm “địa ngục trần gian” Phú Quốc năm xưa, cùng các bạn tù ôn lại những kỷ niệm của một thời đấu tranh gian khổ, hào hùng không thể nào quên.

Để Trưng bày thêm sinh động, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã diễn hoạt cảnh “Phút hồi sinh” nhằm tái hiện những phút giây lịch sử hào hùng của thời khắc trao trả những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại bờ sông Thạch Hãn; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù binh Trại giam Phú Quốc từng được trao trả ở Thạch Hãn, Lộc Ninh năm 1973 – 1974.

Trưng bày “Phút hồi sinh” ra mắt vào 8h00 ngày 10/3/2023 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục tổ chức hai chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử về Trưng bày “Phút hồi sinh” và diễn hoạt cảnh vào ngày 16/3 và 21/3/2023.

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *