Văn hóa cơ sở

Văn hóa chung cư tạo dựng đời sống mới

Chưa bao giờ các khu đô thị mới lại mọc lên ở Hà Nội nhiều như những năm gần đây, để rồi hình thành một lối sống mới, nếp sống mới trong các khu chung cư. Ở đó, có rất nhiều điều hay song cũng có những điều còn phải khắc phục để dần hình thành văn hóa chung cư góp phần cho lối sống đô thị văn minh, hiện đại.

Pha trộn giữa văn minh và… làng xã

Hà Nội hiện có nhiều chung cư cao tầng, kiến trúc hiện đại, căn hộ tiện nghi, tràn ngập nắng và gió, với đủ loại nhà ở, đáp ứng mọi nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân. Từ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cho đến loại nhà ở tái định cư. Nhiều khu đô thị mới với quy hoạch bài bản, môi trường thoáng đãng, có không gian xanh, hồ nước, tầng hầm để xe, có nhà trẻ, trường học và các dịch vụ thương mại phục vụ đời sống hàng ngày của cư dân, là nơi sống đầy mơ ước của nhiều người. Khu đô thị mới trở thành biểu tượng của phát triển nhà ở, của kiến trúc đô thị thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Sự xuất hiện những khu đô thị mới cũng mở đầu cho một cuộc cách mạng về lối sống văn minh, hiện đại ở đô thị. Nhưng, từ đó cũng nảy sinh những vấn đề các nhà quản lý đáng phải lưu tâm.

Văn hóa chung cư tạo dựng đời sống mới
Hà Nội ngày càng nhiều khu đô thị mới, chung cư hiện đại mọc lên, đi kèm đó đã hình thành nên văn hóa chung cư (Khu đô thị Tây Hồ Tây). Ảnh: Hà Phong

Có thể nói, từ hàng nghìn năm nay, người Việt Nam vốn là cư dân nông nghiệp, sống ở làng, không có thói quen ở nhà cao tầng, mà chỉ ở nhà thấp tầng, không quen sống theo chiều thẳng đứng mà chỉ quen sống theo chiều ngang. Lối sống nông thôn theo kiểu phép vua thua lệ làng, trọng tình hơn lý, tắt lửa tối đèn có nhau… rất tự do, tùy tiện nhưng cũng đầy tính nhân bản, tạo nên văn hóa làng truyền thống. Khi chuyển sang sống trong đô thị, đặc biệt là trong các khu đô thị mới thì “văn hóa làng” đã không còn bền vững và bắt đầu bị tác động bởi lối sống đô thị. Đó là thách thức cho các nhà quản trị đô thị và cho cả chính những cư dân sống trong các khu đô thị mới.

Người ở trong chung cư là người có tiền mua căn hộ đến từ tứ xứ, với nhiều thành phần, lứa tuổi… tạo nên một cộng đồng cư dân đa dạng về khẩu ngữ, về thói quen, về lối sống. Nhưng sống trong chung cư thì sự riêng – chung được phân định rất rạch ròi nên đã hạn chế sự tùy tiện. Chẳng hạn, không thể tùy tiện coi thang máy là của riêng mình để chở đồ đạc. Không thể coi hành lang chung là cái sân riêng của nhà mình để đốt vàng mã. Không thể khạc nhổ, vứt rác nơi hành lang, trong buồng thang máy. Điều đó giúp cải thiện văn hóa người dân rất đáng kể.

Nhưng, sống ở chung cư, nhà nào biết nhà nấy. Có việc ra ngoài mới mở cửa, còn thì cửa luôn đóng im ỉm. Và bên cạnh những người có văn hóa vẫn còn một bộ phận cư dân thiếu ý thức. Nếu Ban quản lý các khu đô thị mới không có cách quản lý khoa học sẽ dễ dẫn đến tranh chấp, cãi vã và làm những cư dân có lối sống văn minh cảm thấy khó chịu. Ví dụ, có những cư dân ngày nào cũng hào phóng “chiêu đãi” cả tầng, thậm chí vài tầng “món” karaoke, bất kể giờ giấc, khiến nhiều người phải nhờ đến sự can thiệp của ban quản lý khu chung cư. Rồi chuyện lối đi chung bị chiếm làm nơi chứa đồ, làm chỗ ăn uống… rồi vứt rác bừa bãi diễn ra ở khá nhiều nơi. Có những gia đình thay vì để tủ giày trong nhà, xe đạp dưới tầng hầm, lại bày bừa ở hành lang…

Cần những chuẩn mực văn hóa

Tại Hà Nội, số lượng người dân sống tại chung cư càng ngày càng tăng. Vì vậy, phát triển nhà chung cư đòi hỏi doanh nghiệp quản lý phải là doanh nghiệp văn hóa, có quy tắc, nội quy rõ ràng. Thực trạng hiện nay cho thấy, khi doanh nghiệp quan tâm đến nội quy, ứng xử văn hóa tốt thì tình hình an ninh trật tự, người dân tuân thủ những quy định pháp luật, chuẩn mực văn hóa. Vấn đề xây dựng văn hóa chung cư đang đặt ra cho các nhà quản lý đô thị bài toán khó khi chúng ta đang trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, thành phố xanh thời công nghệ 4.0. Do chưa có quy chế riêng về văn hóa chung cư, nhiều nơi ở Hà Nội vẫn triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa như cách thức hiện đang áp dụng đối với khu dân cư truyền thống, khiến các mô hình này đang triển khai bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập.

Việc xây dựng văn hóa chung cư đòi hỏi trách nhiệm của chủ đầu tư, cư dân và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhưng hai chủ thể quan trọng nhất vẫn là cư dân và chủ đầu tư. Làm sao để văn hóa chung cư thật sự thấm vào mỗi cư dân, để chính họ đồng tình, ủng hộ, tự nguyện thực hiện, góp ý và giám sát lẫn nhau trong đời sống hằng ngày thì lúc đó mới thật sự có một lối sống cộng đồng bền vững.

Văn hóa ứng xử, hay lối sống trong các khu đô thị mới không phải tự nhiên mà có. Nó phải được gây dựng bắt đầu từ chính các đồ án quy hoạch, rồi đến nhà quản lý, chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, ban quản lý nhà chung cư cho đến từng hộ dân, từng cư dân. Chúng ta đang xây dựng thành phố thông minh, thành phố xanh, và thành phố 4.0 cũng chỉ với mục đích cao đẹp là đem đến cho cư dân đô thị một nơi chốn bền vững, tràn đầy hạnh phúc. Trong chung cư, chúng ta cần một lối sống mới phù hợp, để mọi người có thể cùng sống vui vẻ, với sự độc lập nhất định. Hiện, một số chung cư đã xây dựng được quy chế quản lý, nội quy, quy định đối với cư dân, nhưng mỗi khu chung cư lại có quy định khác nhau. Phần lớn các nội quy này chỉ mang tính khuyến cáo, chứ chưa có biện pháp hay chế tài xử lý nghiêm, tạo sức răn đe; khiến các vi phạm tại chung cư vẫn cứ tiếp diễn, gây cảm giác lo lắng, bất an cho cư dân nơi đây.

Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành quy chế bắt buộc các doanh nghiệp phải có quỹ văn hóa phục vụ cho sinh hoạt công cộng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, lối sống ngày càng văn minh hơn tại các chung cư và khu đô thị mới. Các khu đô thị mới, các tòa chung cư cần hướng tới mô hình quản lý hiện đại này. Chuẩn mực văn hóa chung cư quy định càng chi tiết càng tốt. Phải có những quy chuẩn, quy phạm đạo đức đối với cư dân ở chung cư để mỗi người phải biết tự trọng hơn với bản thân và biết tôn trọng người khác thì mới tạo dựng được văn hóa chung cư.

Quá trình xây dựng văn hóa sống ở mỗi chung cư phụ thuộc vào từng cá nhân cư dân, nhưng cũng rất cần một ban quản lý chuyên nghiệp, biết giữ gìn nét văn hóa của người Việt và áp dụng hợp lý vào cuộc sống chung cư thời hiện đại. Việc xây dựng văn hóa chung cư đòi hỏi trách nhiệm của chủ đầu tư, cư dân và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhưng hai chủ thể quan trọng nhất vẫn là cư dân và chủ đầu tư. Làm sao để văn hóa chung cư thật sự thấm vào mỗi cư dân, để chính họ đồng tình, ủng hộ, tự nguyện thực hiện, góp ý và giám sát lẫn nhau trong đời sống hằng ngày thì lúc đó mới thật sự có một lối sống cộng đồng bền vững.

Do vậy, điều này đặt ra vấn đề là các doanh nhân, doanh nghiệp bên cạnh việc kinh doanh, khi xây dựng các khu nhà chung cư cần có những quy định về văn hóa tại các khu chung cư. Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành quy chế bắt buộc các doanh nghiệp phải có quỹ văn hóa phục vụ cho sinh hoạt công cộng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, lối sống ngày càng văn minh hơn tại các khu đô thị mới./.

Minh Thắng – Hà Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *