Chưa được phân loại

Văn hóa là sức mạnh tinh thần để phát triển

Sáng 28/9, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo Nguồn lực văn hoá trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.    Quang cảnh hội thảo   Dự hội thảo có các đồng chí: Ngô […]

Sáng 28/9, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo Nguồn lực văn hoá trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. 

 

Quang cảnh hội thảo

 

Dự hội thảo có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; các nhà khoa học, nhà quản lý.

Coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần để phát triển

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hoá ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố Vì hoà bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, một ưu thế tuyệt đối, riêng có của Hà Nội là lịch sử 1000 năm hình thành và phát triển. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá – xã hội. Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng văn hoá, tìm nguồn lực và phát triển động lực từ văn hoá, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến anh hùng, Thành phố Vì hoà bình, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô. Đồng thời, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế về Thủ đô tươi đẹp, hoà bình, hữu nghị và người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế”.
Đồng chí nhận định: Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đổi mới, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa, chiến lược phát triển thành phố sáng tạo, cũng như nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Hội thảo cũng là dịp quan trọng để chúng ta nhìn nhận sâu sắc, đầy đủ hơn nữa, đồng thời, đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là hạt nhân, tiên phong, đầu tàu dẫn dắt trên nhiều lĩnh vực, nhất là trung tâm văn hóa tiêu biểu của quốc gia – dân tộc.
Khẳng định giá trị văn hóa Thủ đô
Tại hội thảo, ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định những giá trị văn hóa của Hà Nội; làm rõ vai trò của nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội của Thủ đô cũng như trong việc xây dựng Thành phố sáng tạo; giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, văn hóa có chức năng điều tiết xã hội. Quá trình thực hiện chức năng điều tiết của văn hóa chính là quá trình các yếu tố văn hóa tác động trực tiếp vào xã hội, mang lại những vận động trên thực tế của xã hội, dẫn tới hiệu quả là sự phát triển của xã hội. Để phát huy được nguồn lực cho phát triển từ chức năng điều tiết xã hội của văn hóa, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, Hà Nội cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ bản chất văn hóa, vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống. Nhận thức ấy phải được cụ thể hóa bằng những chính sách, được chế định trong các quy định luật pháp và được bảo đảm thực hiện bằng các thiết chế chính trị-xã hội.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại hội thảo
GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng chỉ rõ, yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả đầu tư cho văn hóa là con người, nghĩa là đầu tư cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên chuyên môn, người hoạt động các phong trào, văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức hoạt động văn hóa… Cảnh quan đô thị là yếu tố hàm chứa hàm lượng văn hóa cao. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển của Hà Nội hầu như chưa được tính toán cẩn thận nên hay bị điều chỉnh, thay đổi, thiếu sự kết nối hạ tầng, không đồng bộ với các yếu tố văn hóa, xã hội, dịch vụ. Vì vậy, cần phải được điều chỉnh trong giai đoạn tới.
Góp ý tại hội thảo GS,TS. Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, Hà Nội có một tiềm năng văn hóa lớn, phong phú, lâu đời, đa dạng, và là tài nguyên rất hiếm của Hà Nội, không phải nơi nào cũng có được. Vấn đề còn lại là khả năng, năng lực khai thác, khai thông nguồn tài nguyên đó như thế nào vì sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. GS.TS Đinh Xuân Dũng chỉ rõ, trí thức là lực lượng rất quan trọng trong toàn bộ quá trình văn hóa từ sản xuất, sáng tạo đến truyền bá và nhận định hiệu quả của văn hóa đối với người tiếp nhận. Với ý nghĩa đó, Hà Nội nên tập trung cho khởi nghiệp sáng tạo, cho lựa chọn ưu thế của mình trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.
“Khai thông nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững của Hà Nội không chỉ là làm sống lại quá khứ, truyền thống trong hiện tại mà còn kích hoạt sức mạnh văn hóa của hiện tại cho sự phát triển của tương lai Hà Nội. Với suy nghĩ đó, xin kiến nghị, Hà Nội nên coi phát huy sức mạnh văn hóa là một đột phá chiến lược trong sự phát triển của mình” – GS.TS Đinh Xuân Dũng nêu.
Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý kết kuận hội thảo
Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, các kiến nghị và giải pháp được đưa ra trong hội thảo dưới nhiều góc nhìn đã thể hiện sự tâm huyết, trăn trở của các tác giả đối với vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng. Tất cả đều hướng mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam cũng như thủ đô – trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á. Qua đó, tạo cơ sở cho việc mở rộng mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước, nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch đề nghị sau hội thảo, Ban Tổ chức cần rà soát, biên tập lại để ứng dụng kết quả hội thảo phục vụ trực tiếp cho các công tác lãnh đạo, quản lý. Đối với những bài viết, tham luận có luận cứ khoa học, thực tiễn chắc chắn, Tạp chí Cộng sản chọn lọc để đăng tải trực tiếp trên các ấn phẩm của mình. Đồng thời, tổ chức biên tập và xuất bản thành sách để truyền thông rộng rãi nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
Thành phố sẽ phối hợp tốt với Tạp chí Cộng sản và các cơ quan báo chí chủ lực Trung ương và Hà Nội làm tốt công tác truyền thông chính sách kết hợp với kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng ban hành, hoàn thiện thể chế để có căn cứ pháp lý thực hiện. Đối với những vấn đề đã rõ, thực tiễn kiểm chứng là đúng, có khung thể chế rõ ràng, các cơ quan chức năng chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, bắt tay thực hiện bằng trách nhiệm cao nhất.

Quỳnh Anh

Theo Cổng GTĐT TP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *