Văn hóa

Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

Vào những ngày tháng Năm này, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đều đến thăm Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông)- nơi Chủ tịch viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” để tìm hiểu về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người.

 

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Vạn Phúc hàng năm thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan.

Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương đã bí mật đưa Bác Hồ về nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc. Do nhà ông Dương có xưởng dệt lụa lớn, thường xuyên có khách đến giao thương nên che mắt được mật thám. Bản thân ông Dương cũng thường xuyên tham gia nhiều công việc phục vụ cách mạng. Vì thế, nhà ông Dương được chọn làm nơi ở, làm việc của Bác suốt 16 ngày đêm (từ ngày 3/12 đến ngày 19/12/1946). Trong thời gian ở đây, Người cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đã giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Người chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến được vạch ra tại Hội nghị này đều thể hiện trong Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng. Hội nghị cũng thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Ngay sau kết thúc Hội nghị, tối 19/12/1946, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được phát đi là lời hiệu triệu toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và cũng là động lực tinh thần xuyên suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến của toàn quân, toàn dân ta, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương – nơi Bác từng sống và làm việc trong thời gian ở Vạn Phúc trở thành Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1975. Ngôi nhà ba gian, hai tầng đến nay vẫn được bảo tồn nguyên trạng làm khu vực chính của Nhà lưu niệm. Bên phải và bên trái ngôi nhà là hai dãy nhà ngang, trước đây đặt khung cửi, đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, nâng cấp trần và nền. Dãy bên phải là phòng khách thường xuyên đón tiếp nhân dân, khách trong nước và quốc tế tới thăm; dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc. Tầng hai của ngôi nhà trưng bày phục nguyên như khi Bác ở và làm việc. Căn phòng nhỏ bên trái vẫn còn đó chiếc giường gỗ đơn sơ Bác nằm, chiếc gối gỗ sơn màu huyết dụ. Kề bên giường là bàn làm việc, trên bàn có chiếc đèn bão, trang bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”…Hàng năm, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan; nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Vạn Phúc  phát triển nghề dệt lụa truyền thống nghìn năm tuổi của quê hương.

 Tự hào là nơi được Bác Hồ về ở và làm việc, hơn 70 năm qua, mỗi thế hệ người dân Vạn Phúc đã biết phát huy truyền thống để xây dựng quê hương  ngày càng giàu đẹp, văn minh. Vạn Phúc hôm nay có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng những giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng luôn được trân trọng. Bằng sự tài hoa, thanh lịch, sự khéo léo, sáng tạo của người làng lụa, nghề dệt lụa truyền thống trên nghìn năm tuổi ở Vạn Phúc vẫn được giữ gìn. Từ một làng quê nghèo, Vạn Phúc vươn lên trở thành một phường có kinh tế phát triển của quận Hà Đông. Hiện, mỗi ngày Vạn Phúc đón hàng chục đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm. Để nâng cao giá trị sản xuất làng nghề và thu hút khách du lịch, Vạn Phúc đã gắn biển kinh doanh dịch vụ sản phẩm làng nghề; hoàn thiện trung tâm kinh doanh sản phẩm làng nghề chất lượng cao; kết nối việc tham quan, mua sắm sản phẩm làng nghề với tham quan khu di tích Nhà lưu niệm, đình, chùa, phường cửi; tổ chức Tuần văn hóa du lịch làng nghề Vạn Phúc…góp phần đưa Vạn Phúc trở thành địa phương tiêu biểu về “Làng nghề – làng cách mạng – làng du lịch văn hóa” của Thủ đô.

Mai Phương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *