Văn hóa cơ sở

Về nơi “thổi hồn” cho gỗ

Cái tên Sơn Đồng đã có từ rất xa xưa cùng với nghề truyền thống chế tác tượng phật và đồ thờ. Bằng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đã “thổi hồn” vào từng sản phẩm tạo nên nét tinh hoa, độc đáo riêng có […]

Cái tên Sơn Đồng đã có từ rất xa xưa cùng với nghề truyền thống chế tác tượng phật và đồ thờ. Bằng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đã “thổi hồn” vào từng sản phẩm tạo nên nét tinh hoa, độc đáo riêng có của quê hương mình.

Chẳng người dân Sơn Đồng nào biết nghề làm đồ thờ, tạc tượng nơi đây có tự bao giờ, chỉ biết rằng theo Ngọc phả Thần tích soạn năm 976 triều Tiền Lê, tại làng Sơn Đồng thờ cụ tổ nghề Đức thánh Đào Trực. Cụ là người đã có công “phục nghệ giáo dân”, tức khôi phục nghề và dạy học cho dân. Sau khi cụ qua đời, Nhà vua lệnh cho bản trang Sơn Đồng lập miếu, tạc tượng thờ. Từ thuở ban đầu Sơn Đồng chỉ vài tốp thợ thi công, tu sửa các công trình văn hóa, tín ngưỡng ở những vùng ven đô, đến nay, Sơn Đồng có khoảng 500 hộ với 5.000 lao động làm nghề thủ công truyền thống, trong đó phân nửa là thợ lành nghề, nghệ nhân tài hoa. Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm 60- 65% cơ cấu kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.

Mot san phamMột sản phẩm đang được hoàn thiện.

Đến Sơn Đồng hôm nay, dạo một vòng quanh các xưởng chế tác đồ thờ, tạc tượng ở Sơn Đồng, được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân thao diễn tay nghề khiến chúng tôi thích thú. Từ những thân gỗ mít vô tri vô giác, qua bàn tay khéo léo của người thợ Sơn Đồng, những pho tượng trở nên có hồn và sống động hơn. Anh Nguyễn Như Hải (chủ xưởng tạc tượng, đồ thờ Như Hải) cho biết: “Khi đục tượng phải tập trung cao độ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng khiến “hồn” của bức tượng bay đi”. Muốn làm được điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, có kiến thức về văn hóa phật giáo, văn hóa tâm linh, hiểu được các điển tích, tính cách, vị trí của từng pho tượng. Anh Nguyễn Văn Phú – người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cho rằng: “Tượng tạc xong, công đoạn cuối cùng “sơn son thếp vàng” cũng rất quan trọng, quyết định đến thẩm mỹ của từng sản phẩm. Trước khi sơn phải vệ sinh sản phẩm thật kĩ, sau đó sơn lót màu đen giữ màu và cuối cùng là sơn thép bạc. Sơn cho đến khi thấy bề mặt nhẵn bóng mới thôi”. Với đôi bàn tay và óc sáng tạo tinh tế, những người thợ Sơn Đồng đã làm ra nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt độ tinh xảo cao như: tượng Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt, tượng La Hán, hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ…Mỗi sản phẩm như một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng cả tài hoa, tâm trí của các nghệ nhân. Nét tinh hoa của nghệ nhân Sơn Đồng từng được khái quát: “Mắt người chưa thấy dung nhan phật/ Mà tự tay người phật hiện ra”. Sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng 50% thị phần toàn quốc về số lượng tượng và đồ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ văn hóa tâm linh người Việt. Lượng khách đến tham quan và mua sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng từ ngoài Bắc cho đến trong Nam và cả du khách nước ngoài.

xuong tac tuongMột góc xưởng tạc tượng ở làng nghề Sơn Đồng.

Trong xu thế hội nhập, các ông chủ doanh nghiệp như Nguyễn Chí Quảng, Nguyễn Viết Thắng, Trần Đình Cường, Nguyễn Viết Hồng… đang tiên phong chuyển sang công nghệ chuyên môn hóa, có xưởng chuyên làm phần mộc, có xưởng chuyên hoàn thiện tượng. Cùng với đó, Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng thành lập đặt tiêu chí “Hội tụ tinh hoa – Đoàn kết – Liên kết phát triển bền vững” tạo đà cho làng nghề phát triển. Ban đầu, Hiệp hội chỉ có 40 hội viên tham gia, đến nay đã có trên 500 hội viên. 11 thôn, mỗi thôn có 1 chi hội, tổ chức họp bàn giúp đỡ lẫn nhau cùng giữ gìn và phát triển nghề. Xã đã mở ba lớp dạy nghề truyền thống và 1 lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân. Từ khi thành lập, Hiệp hội rất tích cực tham gia các hội thi sản phẩm và trưng bày triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá và kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Gần đấy nhất, 10 thợ trẻ Sơn Đồng đã tham gia Hội thi Bàn tay vàng thanh niên làng nghề truyền thống năm 2015 do Thành đoàn Hà Nội tổ chức giành 1 giải nhất, 1 giải nhì.

Làng nghề phát triển đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương, ngóp phần cải thiện đời sống nhân dân, nhưng Sơn Đồng đang phải đối mặt với thách thức về tiếng ồn và bụi, thiếu mặt bằng sản xuất… Để gìn giữ và phát huy tinh hoa làng nghề truyền thống, Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng đang nỗ lực tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề sản xuất đảm bảo chất lượng, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao uy tín thương hiệu làng nghề và ý thức bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương cùng nhân dân đang chờ thành phố phê duyệt quy hoạch thành đầu mối du lịch để quảng bá thương hiệu và mở rộng diện tích cho nghề truyền thống Sơn Đồng, xây dựng Sơn Đồng trở thành làng nghề giàu có và hiện đại.

Tuấn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *