Các loại hình khác

Bảo tồn ca trù còn nhiều thách thức

​Bắc Ninh có hai di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại là dân ca Quan họ và ca trù. Sau 4 năm được vinh danh, nếu như dân ca Quan họ được bảo tồn và phát huy xứng tầm thì nghệ thuật ca trù lại rơi vào tình cảnh thiếu vắng cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức dẫn đến việc bảo tồn bộ môn nghệ thuật này gặp rất nhiều thách thức.

Các thành viên câu lạc bộ ca trù Thượng Thôn (huyện Yên Phong) luyện tập.

 

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh có 3 địa phương vẫn còn lưu giữ và thành lập được câu lạc bộ hát ca trù là thôn Thanh Khương (huyện Thuận Thành), thôn Tiểu Than (huyện Gia Bình), thôn Thượng Thôn (huyện Yên Phong) và câu lạc bộ ca trù Bắc Ninh. Tổng số hội viên khoảng hơn 100 người, đáng chú ý độ tuổi trung bình của những người tham gia đều ở ngưỡng trên 50, số hội viên trẻ rất ít chỉ đếm trên đầu ngón tay. Toàn tỉnh có 5 nghệ nhân lão thành thì chỉ còn 3 nghệ nhân duy trì được khả năng truyền dạy.

Cũng do gián đoạn trong một thời gian dài, nhiều tư liệu về ca trù đã mất, các nghi lễ liên quan cũng dần bị mai một. Ca trù Bắc Ninh có tổng số 46 thể cách thì giờ các câu lạc bộ chỉ hát được các thể cách đơn giản còn những thể cách như: Hát thi, hát cửa đình, hát thờ… thì gần như đã thất truyền. Việc đào tạo đào, kép cũng không được thực hiện theo trình tự nghiêm ngặt như xưa nên để sản sinh được một đào, kép giỏi là rất khó.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa thể thao và du lịch) cho biết: "Ca trù là loại hình nghệ thuật đã đạt tới trình độ cao. Để trở thành một người hát ca trù thành thục đòi hỏi phải có một thời gian dài luyện tập. Ngoài ra còn có hệ thống các nghi lễ liên quan như: Tục cởi xiêm áo, lễ nhận thầy, tục giỗ tổ nghề… nhưng người học không được tìm hiểu những nghi lễ này, vì vậy, có thể nói việc học hiện nay chỉ được phần ngọn".

Ngay tại chính những cái nôi của nghệ thuật ca trù, hoạt động bảo tồn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Câu lạc bộ ca trù thôn Thượng Thôn (huyện Yên Phong) chỉ có một cây đàn đáy cũ, một chiếc trống chầu và vài bộ phách do các thành viên tự đóng góp mua từ cách đây hàng chục năm.

Bà Đào Thị Xuyến, Chủ nhiệm câu lạc bộ tâm sự: "Để đảm bảo điều kiện cho câu lạc bộ hoạt động, chúng tôi phải vận động xã hội hóa để cho câu lạc bộ hoạt động. Không gian biểu diễn ca trù không có nên việc bảo tồn ca trù càng khó khăn hơn".

Tại Thanh Khương, Tiểu Than tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Cơ sở vật chất thiếu thốn, các nghệ nhân không được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng khiến việc truyền dạy nghệ thuật ca trù dừng lại ở mức cầm chừng.

Trước nguy cơ một lần nữa mai một nghệ thuật ca trù, vừa qua UBND tỉnh đã thông qua đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020". Trong đó có 2 tiểu dự án dành riêng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản ca trù với tổng kinh phí là 5 tỷ đồng. Số tiền này sẽ để đầu tư vào công tác sưu tầm, phục dựng các hình thức hát ca trù; truyền dạy hát ca trù tại cộng đồng; đầu tư hỗ trợ mua sắm trang thiết bị; hỗ trợ phục dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa liên quan… Đây có thể coi là một tin vui đối với những người vẫn luôn một lòng đau đáu với ca trù.

Tuy nhiên, không phải cứ có tiền, có ngân sách là sẽ bảo đảm công tác bảo tồn phát huy nghệ thuật ca trù sẽ đạt kết quả mỹ mãn. Theo ông Nguyễn Văn Đáp, ca trù vốn là bộ môn kén cả người chơi lẫn người thưởng thức. Để hiểu và thẩm thấu được ca trù đòi hỏi phải có một trình độ nhất định. Vì thế không thể đưa ca trù vào truyền dạy một cách ào ạt. Cần đầu tư từ gốc, khôi phục lại những lề lối cổ, giáo dục thế hệ trẻ ở những nơi có truyền thống về ca trù hiểu được cái hay, cái đẹp… từ đó khơi dậy tình yêu với bộ môn nghệ thuật cha ông. Cũng cần tạo ra không gian, điều kiện để khán giả tiếp cận gần hơn với ca trù, người nghệ sĩ có cơ hội được trình diễn… Tất cả là những thách thức không hề nhỏ và cũng không hề dễ để vượt qua.

Những nội dung trong Đề án sẽ chính thức đi vào thực hiện từ tháng 1 năm 2014. Với một lộ trình dài hơi cùng sự tâm huyết của những người yêu ca trù, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một tương lai sáng cùng một vị trí xứng đáng hơn cho di sản ca trù trên đất Bắc Ninh.

Bài, ảnh: Thương Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *