Thế thao thành tích cao

Xây dựng đề án, tuyển chọn đào tạo tài năng trong lĩnh vực Thể thao thành tích cao đến năm 2030 tầm nhìn 2035

Mục tiêu của đề án hướng tới là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo trẻ em có năng khiếu vượt trội để trở thành tài năng, dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, Olympic và thế giới.

Với mục tiêu phấn đấu đưa Thể thao Việt Nam vươn lên tốp đầu khu vực Đông Nam Á đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, Việt Nam trở thành quốc gia có nền Thể dục Thể thao (TDTT) phát triển mạnh ở châu lục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang dự thảo đề án tuyển chọn, đào tạo tài năng trong lĩnh vực Thể thao thành tích cao (TTTTC) đến năm 2030 tầm nhìn 2035.

Một buổi tập của các vận động viên thể dục dụng cụ nhí tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội.

Đề án nêu rõ, trong lĩnh vực đào tạo tài năng thể thao thành tích cao sẽ được tập trung vào 16 môn thể thao trong tổng số 32 môn thể thao trọng điểm đã được xác định trong chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, chính là những môn đã giành được nhiều huy chương tại các giải đấu, Đại hội thể thao quốc tế.
Mục tiêu cụ thể đề án đặt ra đến năm 2020, đối với vận động viên (VĐV) tài năng số VĐV đội tuyển quốc gia đạt khoảng 1.000, số VĐV ở các CLB thể thao chuyên nghiệp và giành được thành tích quốc tế đạt khoảng 600. Huấn luyện viên (HLV) các cấp đạt 1.250, trong đó huấn luyện viên cấp cao khoảng 50 người… và đến năm 2030 các chỉ tiêu này dự kiến tăng gần gấp đôi.
Đối với công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao các tỉnh, thành phố: VĐV năng khiếu thể thao nghiệp dư, VĐV năng khiếu trẻ được đào tạo tập trung, VĐV đội tuyển của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ngành, VĐV đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia sẽ thông qua các giải đấu được tổ chức hàng năm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương, từng ngành. Riêng đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia, hàng năm tổ chức tập huấn từ 500 – 750 VĐV đội tuyển trẻ, 400 – 500 VĐV đội tuyển quốc gia tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, trong đó tập trung tập huấn theo chế độ đặc biệt từ 75 – 100 VĐV đội tuyển quốc gia. Từ năm 2020 trở đi, tất cả các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao phải tiến hành đào tạo VĐV.
Cũng theo đề án, hình thức đào tạo tài năng thể thao thành tích cao sẽ tập trung ở trong nước, chủ yếu tập trung vào các cơ sở đào tạo uy tín của cả nước về lĩnh vực Thể thao thành tích cao gồm 3 cơ sở đào tạo đại học và 4 trung tâm trọng điểm huấn luyện thể thao trực thuộc Bộ VHTTDL. 5 Trung tâm phụ trợ trực thuộc các tỉnh/thành phố, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, các Trung tâm huấn luyện Thể thao Quân đội, Công an…
Bên cạnh đó, sẽ có thời gian tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài và tham gia các giải đấu trong hệ thống thi đấu trong nước và quốc tế do các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tổ chức. Hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện thể thao có uy tín ở nươc ngoài. Cơ sở đào tạo tài năng thể thao thành tích cao được tổ chức thực hiện tại các trung tâm huấn luyện thể thao, cơ sở đào tạo trong nước và có uy tín trong lĩnh vực thể thao. Đồng thời, lựa chọn các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện thể thao có uy tín, chất lượng cao ở các nước tiên tiến, có thế mạnh đào tạo về lĩnh vực TDTT.

Theo báo cáo của Vụ Đào tạo – Bộ VHTTDL, mục tiêu của đề án hướng tới là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo trẻ em có năng khiếu vượt trội để trở thành tài năng, dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, Olympic và thế giới. Phấn đấu để thành tích một số môn thể thao có thế mạnh của Việt nam đạt và duy trì trình độ châu lục, thế giới. Cùng với đó, tuyển chọn huấn luyện viên có đam mê, có phẩm chất nhân cách tốt, có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện và thi đấu. Cán bộ quản lý, huấn luyện, giảng viên, nghiên cứu viên đang làm việc tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm huấn luyện thể thao trong cả nước.

P.V

Theo Thể thao ngày nay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *