Di sản – Bảo tồn

Bộ VHTTDL thống nhất với UBND T.P Hà Nội về việc lập báo cáo KTKT tu bổ, tôn tạo di tích Đình Quán Giá, huyện Hoài Đức

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4826/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Quán Giá, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đình Quán Giá

Theo đó, Bộ VHTTDL thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích Đình Quán Giá, gồm các hạng mục: Hữu mạc, nhà Thủ từ, nhà Tạo soạn để bảo tồn và phát huy giá trị bằng nguồn kinh phí của địa phương.

Bộ VHTTDL đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Quán Giá gồm các hạng mục nêu trên theo quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ, gửi Bộ VHTTDl thẩm định./.

Đình Quán Giá (còn gọi là Đình Yên Sở) thuộc làng Yên Sở (xưa gọi Cổ Sở, tên Nôm là làng Giá Lụa, gọi tắt làng Giá), xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tương truyền, đình được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý Thái Tổ (1010-1026). Đình vốn là đền thờ Lý Phục Man, người làng Giá, một trong các vị tướng tài có công giúp Lý Bí làm nên cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (542), dựng nên nhà nước Vạn Xuân – nhà nước độc lập đầu tiên của dân tộc ta.
Khi quân Lương quay lại xâm lược, Lý Phục Man đã anh dũng hy sinh trong trận đánh quyết liệt tại thành Tô Lịch năm Giáp Tý (544). Thi hài của Ngài được quàn tại gần hồ Mã, xã Yên Sở, nhân dân vẫn gọi là khu Mả Thánh. Trải qua nhiều năm tháng, cây cối mọc lên um tùm thành một khu rừng gọi là rừng Cấm. Về sau, nhân dân làng Giá đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài.

Năm 1947, đình Quán Giá bị quân Pháp đốt phá, chỉ còn cổng nghi môn, tam quan nội, hai bức tường và hậu cung. Dân làng sau đó đã trùng tu, tôn tạo đình. Ngày 4-4-1994, ngôi đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở nên một địa chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng. Những cây xanh trồng từ xưa đã tạo thành khu rừng Giá (tức rừng Cấm) bao quanh các công trình

Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và Tiên Yên của huyện Hoài Đức mở hội, tưởng nhớ công lao của tướng Lý Phục Man. Ngoài ra cứ 5 năm lại một lần mở hội theo nghi thức đại đám. Trong dân gian từ lâu đã lưu truyền thành ngữ “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”.

Đặc biệt hội Giá có một di sản văn hoá phi vật thể là tích “nghiềm quân”, diễn tả sự gắn kết của quân dân với tướng công Lý Phục Man. Trước thập niên 1980, thường chỉ vài ba trăm người diễn tích này. Đến nay, dân số Yên Sở đông lên thành khoảng một vạn nhân khẩu và trong hội Giá năm 2010 đã có tới gần 600 thanh thiếu niên và các cụ già tham gia đội hình nghiêm quân rước kiệu.

Thủy Tiên (t/h)

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *