Gia đình

Cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Sáng 19/10, tại UBND xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Thành Đoàn Hà Nội, Ban Đại diện Hội người cao tuổi Thành phố tiếp tục tổ chức Hội nghị tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Để thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nhằm phát huy giá trị tốt đẹp trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình, ngày 29/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu đề dẫn tại Hội nghị.

Qua thời gian triển khai thí điểm và thực hiện nhân rộng trên địa bàn Thành phố từ năm 2022, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, công tác truyền thông về việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chưa thường xuyên, liên tục; các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình cho cơ sở còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên tuyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình. Kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết, trong hai năm 2019 và 2020, phường Khương Trung được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội chọn làm điểm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Sau 02 năm làm điểm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, UBND phường Khương Trung tiếp tục triển khai thực hiện theo Kế hoạch từng năm. Từ đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như không xảy ra những tiêu cực về đạo đức và các mối quan hệ trong gia đình. Không xảy ra các hiện tượng bất bình đẳng, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn. Người già, người cao tuổi, trẻ em được tôn trọng, được quan tâm chăm sóc, không xảy ra hiện tượng ngược đãi ông bà, bố mẹ, trẻ em. Anh chị em đoàn kết chia sẻ giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong triển khai Bộ tiêu chí tại phường Khương Trung còn gặp những khó khăn như: Là phường có dân số đông, địa bàn rộng, nhiều tuyến ngõ ngách, chưa có nhà văn hoá phường, nhà hội họp của tổ dân phố chưa đủ diện tích để họp tập trung, cán bộ tổ dân phố hầu hết tuổi cao, kiêm nhiệm nhiều, lại phải triển khai các hoạt động theo nhóm nhỏ hoặc đến từng gia đình. Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến còn băn khoăn về tính cấp thiết thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vì cho rằng nội hàm của Bộ tiêu chí đã được thể hiện trong nội dung xây dựng “Gia đình văn hóa”.
Bà Trần Thị Nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung, quận Thanh Xuân

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyện – Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai khẳng định, xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi cá nhân mà đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng. Bởi thế, xây dựng gia đình văn hoá – gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, của ngành, của doanh nghiệp. Quan niệm về HÔN NHÂN – HẠNH PHÚC – GIA ĐÌNH của thế hệ trẻ đã có nhiều thay đổi hơn so với trước đây. Nhưng bản chất của những vấn đề này thì không bao giờ thay đổi. Gia đình vẫn luôn là điểm tựa tinh thần vô cùng vững chãi, là nơi mà bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể tìm thấy niềm tin, hi vọng và sức mạnh để vượt qua những thử thách khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh – đặc biệt trong giới trẻ – càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyện – Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai
Tại Hội nghị nhiều ý kiến đã xoay quanh các vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay như giới trẻ với việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc bền vững; việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; những mô hình thực hiện văn hóa ứng xử trong gia đình, góp phần hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc;… Và đặc biệt là trọng tâm xoay quanh việc tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.
Thái Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *