Văn hóa cơ sở

Chuyên Mỹ – Làng Khảm trai nghìn tuổi Chuyên Mỹ

Làng nghề khảm trai ở các làng Chuôn, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã có hàng nghìn năm tuổi. Nghề làm khảm trai nơi đây được duy trì qua nhiều thế kỷ như vậy là nhờ hình thức cha truyền, con nối. Dưới những đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của người thợ, những tác phẩm tinh xảo đã ra đời.

Những con vật, những sinh hoạt đời thường đến những sự tích cổ, những điển tích, nhân vật lịch sử đã được người thợ chạm khắc từ những con ốc, mảnh trai, tạo nên những bức tranh, hình ảnh vô cùng sống động, đẹp đẽ, tinh tế. Cũng từ những đôi bàn tay tài hoa ấy, mỗi năm Chuyên Mỹ xuất ra thị trường hàng vạn sản phẩm lớn nhỏ tinh xảo, từ sập gụ, tủ, bàn ghế, hoành phi câu đối, đến tranh ảnh… khảm trai. Sập gụ, tủ chè và tranh khảm trai Chuyên Mỹ là nổi bật và độc đáo nhất, có truyền thống từ rất lâu đời. Các sản phẩm này được làm bằng gỗ quý, đa phần là gỗ gụ.

Nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ có từ thời Lý. Tổ nghề là Trương Công Thành – Phó tướng của Lý Thường Kiệt. Tương truyền, sau khi giúp Lý Thường Kiệt dẹp giặc xong, ông từ quan đi ngao du sơn thuỷ. Đến một vùng biển, thấy những mảnh vỏ trai, ốc, xò trôi dạt vào bờ với màu sắc tự nhiên, ông nảy sinh ý tưởng ghép thành các hoạ tiết hoa văn sinh động và truyền cho người Chuyên Mỹ làm. Ban đầu, những sản phẩm khảm trai, ốc chỉ được dùng ở cung đình hay những nhà giầu có, quyền quý, ngày nay, những sản phẩm này đã có mặt ở nhiều gia đình Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nguyên liệu khảm trai ở Chuyên Mỹ không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Hồng Kông, Singapore, Indonesia… Vỏ trai dùng để khảm cũng có nhiều loại như trai cánh, trai thịt, trai ngọc với những lớp xà cừ dày óng ánh tựa sắc cầu vồng. Ngoài ra là vỏ ốc đỏ, được coi là có màu sắc sang trọng, là nguyên liệu quý hiếm dùng làm cảnh núi non, cánh phượng, cánh rồng…Khâu nguyên liệu đóng vai trò quan trọng tạo nên chất lượng của sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ: Khác với khảm trai các nơi khác, khảm trai Chuyên Mỹ là những mảnh trai luôn phẳng, nguyên vẹn không bị vỡ, được gắn vào gỗ rất khăng khít, nghệ thuật.

Sản phẩm khảm trai, ốc truyền thống của các làng Chuôn – xã Chuyên Mỹ

       Nhiều người nghĩ rằng khảm trai thật dễ, chỉ đục, đẽo, mài, lắp ráp theo khuôn mẫu thôi, nhưng không phải, đó là một nghệ thuật, là sự kỳ công, tỷ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo, công phu của người thợ. Một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là cẩn xà cừ, gồm ba khâu: Dũa, đục, tỉa. 3 khâu này phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, khâu nào kém cũng làm bức tranh không hoàn chỉnh. Trong cẩn xà cừ, việc cưa, đục các mảnh trai rất cầu kỳ. Người thợ phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa, chẻ dóc miệng, chọn thợ đục, chọn lựa các miếng trai đầy đủ cho mặt tranh… Những tranh gỗ sau khi đã “cẩn” được tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét. Nhờ đường nét tinh xảo, sống động, có hồn mà sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ nổi tiếng từ hàng ngàn năm qua. Hàng nghìn năm ấy, theo hình thức cha truyền, con nối, hàng ngàn, hàng vạn người thợ Chuyên Mỹ đã làm ra không biết bao nhiêu sản phẩm khảm trai, ốc. Ngày nay, nối tiếp truyền thống cha ông, ở Chuyên Mỹ có hàng chục nghệ nhân vẫn ngày đêm cần mẫn làm nghề. Thế hệ nghệ nhân trước đây có cụ Trần Minh Sỹ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Thiết Trình… Thời nay là các nghệ nhân, tiêu biểu, như: Trần Bá Dinh, Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Văn Lăng, Nguyễn Đức Biết…Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dũng được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ là nghệ nhân, từ cụ đến ông, đến cha. Ông đã thành công với nhiều bức khảm trai như bức Chân dung Hồ Chủ tịch, bức Chợ quê, bức Tào Tháo hiến cẩm bào…Ông được Chương trình Nghệ thuật Đông Dương trao tặng giải Bàn tay vàng năm 1999. Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng cũng rất thành công với bức tranh khảm chân dung Bác Hồ và đoạt giải thưởng Tinh hoa làng nghề. Nghệ nhân Trần Bá Dinh 2 lần được tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng” với tác phẩm Bộ tứ bình và Quan Thế Âm Bồ Tát. Ông  được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2005. Ông đã làm ảnh khảm trai chân dung Bác Hồ để biếu Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tây cũ. Sau đó ông còn có dịp làm bức ảnh chân dung Chủ tịch Fidel Castro nhân dịp chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cu Ba năm 1968. Ông có công rất lớn trong việc mở nhiều lớp đào tạo hàng ngàn thợ cho địa phương. Nghệ nhân Trần Bá Năm với bức Thiên đô chiếu khảm ốc xà cừ lớn nhất nước ta. Nghệ nhân Nguyễn Thị Vui – Công dân Thủ đô ưu tú, chủ nhiệm hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ. Hợp tác xã do bà làm chủ nhiệm ngoài sản xuất những mặt hàng phổ thông cho khách du lịch, còn mở thêm các lớp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật và dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lượt lao động phổ thông trong xã và huyện Phú Xuyên.

Trước đây, người thợ Chuyên Mỹ chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết, tranh ảnh trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo các tích truyện. Ngày nay, người thợ Chuyên Mỹ còn làm ra những bức tranh khảm cỡ lớn hay những bức chân dung danh nhân, tướng lĩnh hay linh vật, cỏ cây, hoa lá, phong cảnh…Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề Chuyên Mỹ phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế  từ  Âu sang Á.

Đền thờ tổ nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ

         Đến Chuyên Mỹ, vào các làng Chuôn Thượng, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ, Chuôn Trung, ta luôn nghe thấy tiếng lách cách, lách cách đục, tỉa từ những ngôi nhà, những nhà xưởng phát ra; có khi là tiếng máy, tiếng cưa xoèn xoẹt đang cưa, cắt, đục những mảnh trai, ốc, gỗ. Các sản phẩm từ gỗ đã được chạm khảm bày kín trong những cửa hàng, phòng trưng bày. Âm thanh thanh rộn ràng, vui vui, những chiếc tủ, chiếc sập, bàn ghế hay bức tranh lấp lánh ánh xà cừ của trai, ốc ấy đã đem lại sự thịnh vượng, sầm uất cho các làng và xã Chuyên Mỹ. Theo lãnh đạo địa phương, hàng năm sản xuất tiểu thu công nghiệp của xã chiếm trên 50% giá trị sản xuất. Theo báo cáo, năm 2018 giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Chuyên Mỹ đạt 116,4 tỷ đồng, chiếm 54,6%  tổng thu nhập địa phương, thu nhập bình quân của xã bình quân đạt 42,2 triệu đồng/ người/ tháng.

Quỳnh Anh

 

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *