Văn hóa cơ sở

Công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Đan Phượng

Nằm ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa, huyện Đan Phượng được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, một địa bàn chiến lược quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như chèo Tàu, ca trù, thả diều, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa dày đặc và đa dạng. Hầu như, mỗi làng, thôn, khu phố đều có những ngôi chùa, ngôi đình, quán, miếu từ bao đời nay do các tiền nhân xây dựng. Theo kiểm kê năm 2014, huyện Đan Phượng có 155 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 1 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 37 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 34 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Một số di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân ở Hạ Mỗ, đình Đại Phùng, chùa Hải Giác, đình Đông Khê, quán Đoài Khê …Đây chính là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của nhân dân và cán bộ huyện Đan Phượng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản đó.

Đền Văn Hiến, nơi thờ Thái úy Tô Hiến Thành ở Hạ Mỗ, Đan Phượng.

Từ nhận thức đó, thời gian qua, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành nhiều văn bản về việc quản lý các di tích trên địa bàn, trong đó thống nhất thực hiện quản lý Nhà nước toàn bộ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, với cấp xã, thị trấn là đơn vị trực tiếp quản lý di tích. Đối với các di tích đã xếp hạng, UBND xã, thị trấn thành lập Ban quản lý di tích do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, có nhiệm vụ điều hành, quản lý toàn bộ hoạt động ở di tích. Các di tích chưa xếp hạng do chính quyền các thôn, phố thành lập Ban quản lý để tổ chức các hoạt động và bảo vệ, tu bổ, tôn tạo. Nhờ thực hiện các biện pháp trên, hệ thống di tích tại Đan Phượng trong thời gian qua đã được quản lý tốt, toàn bộ phần di tích gốc đều được quan tâm bảo quản, hạn chế bị xâm hại. Các di vật, cổ vật tại các di tích được bảo vệ khá nghiêm ngặt, không xảy ra tình trạng mất cắp hay thất thoát. Hầu hết các di tích trên địa bàn đều không tiếp nhận trưng bày các “hiện vật lạ”, việc tiếp nhận các hiện vật công đức vào di tích đều được Ban quản lý di tích báo cáo xin ý kiến của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Đặc biệt không xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan tại các di tích trên địa bàn.

Việc tổ chức lễ hội gắn với di tích được thực hiện theo đúng Quy chế  lễ hội của Bộ VHTTDL và chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện. Lễ hội được tổ chức an toàn, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân và phát huy được ý nghĩa giáo dục truyền thống. Một số lễ hội đậm chất dân gian truyền thống, mang nhiều ý nghĩa giáo dục, nhân văn được bảo tồn và phát huy giá trị như Lễ hội rước bánh dày, tiệc cá chung ở Hồng Hà, Lễ hội đình Thụy Ứng ở thị trấn Phùng gắn với tục rước “Voi”, “Phượng”, Lễ hội đình Thọ Vực, xã Đồng Tháp gắn với hội rước nước trên sông… Nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của địa phương được khôi phục, đầu tư, tổ chức như vật dân tộc, thổi cơm thi, thả diều, chọi gà, bơi chải, hát chèo Tàu, ca trù…

Với vị trí và tầm vóc của một huyện đang trên đà phát triển, lấy mục tiêu phát triển bền vững là trọng tâm (phát triển kinh tế song song với bảo tồn, gìn giữ, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường), trong những năm qua, chính quyền các cấp ở huyện và nhân dân  đã quan tâm và có nhiều giải pháp tu bổ, tôn tạo di sản văn hoá, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể. Toàn bộ các di tích được tu bổ đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, kể cả di tích đã xếp hạng hoặc chưa xếp hạng. Kinh phí cho công tác này được  lấy từ nguồn vốn ngân sách của Thành phố, của huyện và xã hội hoá. UBND  huyện đã trực tiếp làm chủ đầu tư các công trình tu bổ lớn, lựa chọn các đơn vị, công ty tư vấn thiết kế, công ty thi công có uy tín. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, có 34 di tích được tu bổ, tôn tạo. Đây là kết quả sự chung sức, chung lòng của  Nhân dân và các cấp chính quyền trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Công tác xã hội hóa kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích ở huyện Đan Phượng đã đạt kết quả tích cực với 87 tỷ đồng tính từ năm 2016 đến năm 2020. Năm 2018, huyện ban hành Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích xếp hạng cấp Quốc gia huyện Đan Phượng giai đoạn 2018-2025, trong đó thực hiện lập dự án tu bổ 25 di tích, tổng mức đầu tư trên 357 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Năm 2020, huyện thực hiện dự án Lập hồ sơ khoa học hệ thống di vật, cổ vật và biên dịch tư liệu Hán – Nôm tại các di tích xếp hạng cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa nói chung, lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng, góp phần xây dựng huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

                                                                                                     Hà Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *