Gia đình

Đan Phượng triển khai đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Sáng 29/3, tại Hội trường UBND xã Trung Châu, UBND huyện Đan Phượng tổ chức Hội nghị triển khai đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và trao giải Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn huyện Đan Phượng năm 2022.

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 27/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 21/02/2023 của UBND huyện về triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn huyện Đan Phượng năm 2023. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị, đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi dậy tình yêu thương chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Lễ bấm nút triển khai đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được UBND huyện Đan Phượng triển khai đăng ký qua 02 hình thức trực tiếp kê khai theo mẫu phát sẵn và đăng ký trực tuyến. Phát huy vai trò của các tổ công nghệ cộng đồng/thôn thông minh sẽ triển khai mẫu trên nhóm zalo để người dân đăng ký.

Nhằm triển khai có hiệu quả Bộ tiêu chí, UBND huyện Đan Phượng xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, người dân về sự cần thiết của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong việc xây dựng một lối sống lành mạnh, gia đình tiến bộ, hạnh phúc, từ đó thúc đẩy tính tự giác, nhiệt tình tham gia hoạt động và thực hành các tiêu chí ứng xử nói trên. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, không gian mạng; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc thi, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của động đảo tầng lớp Nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình. Tập trung tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (Tháng 11). Lồng ghép và gắn Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bổ sung nội dung Bộ tiêu chí trong việc xây dựng, thực hiện quy ước tại các xã, thị trấn. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đối với đối tượng học sinh để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh, chị, em. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử và đặc biệt là công tác khen thưởng cũng cần được chú trọng.

Đan Phượng triển khai đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí bằng hình thức trực tuyến.

UBND huyện Đan Phượng cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn huyện năm 2023. Đưa các nội dung Bộ tiêu chí vào xây dựng, thực hiện quy ước tại thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Lồng ghép nội dung triển khai Bộ tiêu chí trong chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động của xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Đài truyền thanh, trang thông tin điện tử xã, thị trấn, cổ động trực quan, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng vào các dịp kỷ niệm, thông qua các cuộc thi, hội thi, sinh hoạt chuyên để, sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp Nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình. Tổ chức phát động đăng ký, đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với quy trình đăng ký thi đua xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa và bình xét, khen thưởng danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn xã, thị trấn. Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Bộ tiêu chí…

Cũng tại Hội nghị, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức trao giải Nhất năm 2022 Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn. Năm 2022, trên toàn địa bàn huyện Đan Phượng đã có 129/129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố tham gia cuộc thi. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cơ sở, phong trào làm đẹp các con đường, tuyến phố được lan rộng tại nhiều thôn, ngõ, xóm. Trong năm 2022, nhờ công tác tuyên truyền và sự vào cuộc tích cực của người dân, huyện Đan Phượng đã thực hiện xã hội hóa tổng với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng để chỉnh trang, trang trí 60 cổng chào thôn, hơn 300 xóm ngõ sạch, đẹp; bổ sung trồng hơn 3.450 chậu hoa, cây cảnh; vẽ thêm hàng trăm bức tranh bích họa, gắn 180 tranh gốm 3D và hàng trăm giàn hoa cố định… Qua các đợt tổng kết trao giải, huyện đã chấm điểm và lựa chọn trao 12 giải Nhất, 12 giải Nhì, 12 giải Ba, 36 giải Khuyến khích hàng tháng và 01 giải Nhất của Năm với tổng giải thưởng trị giá 191 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng trao giải Nhất Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” năm 2022 cho Cụm dân cư số 7, xã Trung Châu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng khẳng định, trong thời gian qua, các cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên toàn huyện đã tập trung khắc phục khó khăn để đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực văn hóa – xã hội như: Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư (các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; các trung tâm văn hóa xã; các sân bóng đá, bón rổ, sân tập luyện TDTT…). Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức phong phú, sôi nổi góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Bên cạnh đó, các phong trào cũng được cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo như ở xã Song Phượng với thời gian ngắn cả 4/4 thôn, cụm dân cư đã xây dựng được mô hình thôn thông minh với việc lắp đặt camera giám sát, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, xây dựng mô hình thôn bích họa với những điểm “check-in ấn tượng… cùng nhiều địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động quảng bá du lịch, đẩy mạnh công nghiệp văn hóa… tạo thu nhập cho người dân, gia tăng giá trị kinh tế cho địa phương…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Với Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, bà Đào Thị Hồng cho biết thêm, năm 2023, huyện đưa thêm 1 tiêu chí mới, đó là tiêu chí “thông minh” – chính là mô hình thôn thông minh, tổ dân phố thông minh với việc ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công việc, cuộc sống hàng ngày một cách thuận tiện. Bà Đào Thị Hồng cho rằng, “việc lắp đặt camera giám sát, sử dụng đèn năng lượng mặt trời, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hay các nền tảng công nghệ như zalo, tiktok… để tuyên truyền mới chỉ là những gợi mở ban đầu, chúng ta cần có thêm nhiều hơn nữa những cách làm hay, những ý tưởng sáng tạo… để cùng nhau xây dựng quê hương Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, khang trang”.

Phương Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *