Tin tức - Sự kiện

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Sáng 25/8, trong khuôn khổ chương trình khảo sát thực tế tại Thành phố Hà Nội liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn tiếp tục có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội

Dự và tiếp đoàn có đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở; Trưởng các phòng Quản lý Nhà nước và lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Trên địa bàn Thành phố hiện có 5.249 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao. Trong đó: 4.656 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt thôn, tổ dân phố; 84 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 125 trung tâm văn hóa,thể thao cấp xã; 27 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Ngoài ra còn có 06 thiết chế văn hóa do UBND Thành phố trực tiếp quản lý; 04 thiết chế, công trình văn hóa thể thao thuộc Thành đoàn quản lý; 59 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao do Liên đoàn lao động Thành phố quản lý; 290 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao thuộc Công an Thành phố và Bộ tư lệnh Thủ đô. Các thiết chế văn hóa, thể thao khác thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có 26 thiết chế, công trình văn hoá, thể thao. Trong đó 18 thiết chế văn hoá, 08 thiết chế thể thao.

Các Nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố ở nội thành đều có diện tích nhỏ do chủ yếu tận dụng những phần đất dôi dư hay những hạng mục phải chuyển đổi mục đích. Cơ bản các Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được bố trí thiết kế có hội trường, sân khấu, các công trình phụ trợ như khu vệ sinh, nhà xe, sân thể thao đơn giản, các trang thiết bị âm thanh; trang trí, khánh tiết, bàn ghế; tủ sách, tranh, ảnh tuyên truyền phục vụ thiếu nhi; bảng tin, nội quy hoạt động phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao của thôn. Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng và huy động được xã hội hóa đầu tư thiết bị tập luyện thể dục thể thao như: xà đơn, xà kép, các thiết bị thể thao ngoài trời … phục vụ cho nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của nhân dân.

Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo tại buổi làm việc

Hà Nội hiện có tổng số 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã (đạt tỷ lệ 21,2%), trong đó có 65 Trung tâm văn hoá thể thao, nhà văn hoá xã/ thị trấn; 60 Trung tâm văn hoá thể thao, nhà văn hóa phường. Có 10.028 công trình thể thao đang sử dụng cho hoạt động TDTT trên địa bàn (1.040 nhà tập luyện, nhà thi đấu thể thao, 604 bể bơi, 8.384 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời). Các Trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã được bố trí trang thiết bị cơ bản đầy đủ, bao gồm: bàn ghế, quạt điện, đèn chiếu sáng, ti vi, loa đài, micro tăng âm; có sân thể thao đơn giản…; một số được trang bị các thiết bị luyện tập TDTT ngoài trời…

Về thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: Hiện Thành phố có 01 Nhà thiếu nhi cấp huyện là Nhà thiếu nhi Thị xã Sơn Tây do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây quản lý. 01 Cung thiếu nhi Hà Nội và 01 Cung Thanh niên Hà Nội.

Thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ công nhân, viên chức, người lao động: Có 02 loại hình thiết chế là: Cung văn hóa và điểm sinh hoạt văn hóa công nhân bao gồm: 01 Cung Văn hóa lao động Việt Xô và 58 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy – HĐND – UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo; vốn bố trí cho các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa cấp Thành phố tăng dần qua các năm, góp phần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đảm đảm mục tiêu đề ra.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa thể thao ngày một khang trang, công tác triển khai và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từ Thành phố đến cơ sở ngày một đi vào nề nếp có hiệu quả đích thực. Công tác chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức bộ máy và kinh phí hoạt động được coi trọng, việc tập huấn đào tạo cán bộ ngày càng nâng cao, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên liên tục, công tác xã hội hóa thu hút nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhờ vậy đã huy động được các nguồn lực trong xã hội nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy – HĐND – UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng và tổ chức hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối kết hợp chặt chẽ có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy chính quyền địa phương, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hoạt động; đời sống văn hóa ổn định và từng bước phát triển, các dịch vụ văn hóa, thể thao phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm, thiếu. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên địa bàn Thành phố hiện nay cơ sở vật chất nhiều nơi đã bị xuống cấp, trang thiết bị phục vụ hoạt động chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao. Đối với một số thiết chế văn hóa cấp Thành phố, nhất là các Nhà hát tình trạng xuống cấp nhanh, trang thiết bị thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động. Các thiết chế văn hóa thể thao phục vụ công nhân tại các Khu công nghiệp còn hạn chế. Vẫn còn địa phương chưa bố trí được quỹ đất xây dựng Nhà văn hóa, Khu thể thao hoặc đã có quy hoạch đất nhưng triển khai chậm hoặc thực hiện không đảm bảo theo quy định. Công tác quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương thiếu tính liên kết.

Hệ thống hạ tầng, trang thiết bị công nghệ điện ảnh của khu vực công lập còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hạ tầng thực hiện thư viện điện tử còn hạn chế. Nhiều công trình thể thao đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo, sửa chữa như khu nhà ở vận động viên, nhà ăn, nhà y tế, công trình khu nhà tập luyện Bắn súng… Một số cơ sở văn hóa đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhưng nguồn kinh phí còn thấp, chủ yếu là nguồn vốn sự nghiệp.  Hiện nay, một số rạp xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động như rạp Kim Đồng, Đại Đồng. Một số thiết chế không có sân khấu biểu diễn, thiếu trang thiết bị. Nhiều thiết chế được xây dựng từ lâu, việc cải tạo, sửa chữa chưa thực sự khắc phục được hoàn toàn các hạn chế của công trình, nên đơn vị gặp khó khăn trong công tác khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động…

Nguồn kinh phí chi cho tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đang đặt ra; kinh phí cấp không đủ chi cho các hoạt động thường xuyên, chế độ thù lao cho hoạt động quần chúng còn thấp so với mặt bằng chung nên không thu hút được diễn viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia hoạt động. Kinh phí chi cho tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao nhất là thiết chế cấp xã, nhà văn hóa- Khu thể thao thôn, tổ dân phố còn rất thấp, nhiều địa phương không có nguồn hỗ trợ.

Công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều hạn chế, thiếu chủ động, sáng tạo. Nội dung và hình thức hoạt động chưa phong phú, hấp dẫn, hiệu quả hoạt động chưa đồng đều, một số nơi chưa phát huy tốt, thậm trí còn có một số địa phương sử dụng chưa đúng mục đích cơ sở vật chất của thiết chế VH, TDTT cơ sở.

Về tổ chức bộ máy nhân sự công tác quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động còn chưa thống nhất. Chưa có quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm VH-TT cấp xã, NVH thôn, tổ dân phố sau đầu tư; cơ chế hỗ trợ đặc thù cho hoạt động của Trung tâm VH-TT cấp xã, NVH thôn, tổ dân phố, hoạt động CLB và những người trực tiếp tham gia hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc. Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ công tác tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã còn quá mỏng, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ…

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết: Sau khi làm việc và khảo sát tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Thành phố, Tổ dân phố tại khu phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm, Đoàn khảo sát đã nhận được nhiều thông tin và  ý kiến trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa Thủ đô trong việc phát triển các thiết chế văn hóa và thể thao. Việc khai thác và sử dụng các thiết chế đã có sự phối hợp giữa Thành phố, cơ sở và các bộ, ngành nhằm phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa. Hà Nội có lợi thế đó là các thiết chế văn hóa, thể thao có số lượng, quy  mô và chất lượng đứng đầu cả nước. Nhiều thiết chế có thương hiệu đáp ứng khả năng tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế. Hà Nội cũng quản lý, sử dụng thiết chế hiệu quả với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, như việc đưa các di tích, lịch sử thành thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, phát huy thiết chế thể thao ngoài trời, liên kết tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế…

Để các thiết chế văn hóa, thể thao phát huy hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cần có đánh giá, nhận định thêm về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, cũng như công tác đầu tư, quản lý các thiết chế văn hóa xứng tầm vị thế của Hà Nội. Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của Hà Nội còn thiếu. Một số cơ sở xuống cấp. Cơ chế, chính sách, hoạt động tự chủ của  một số đơn vị còn khó khăn. Thiết chế đáp ứng được cho đối tượng là thanh, thiếu niên, nhi đồng, công nhân, người nghèo, người cao tuổi…chưa tương xứng. Sở cần xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân của khó khăn để kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; với Chính phủ, bộ, ngành liên quân; với HĐND và UBND thành phố Hà Nội để có cơ sở tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao có quy mô, tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn cũng đề cập tới vấn đề Hà Nội cần tạo liên kết giữa các ngành, lĩnh vực như: Văn hóa và giáo dục, liên kết giữa Hà Nội và các bộ, ngành Trung ương tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc; tiếp tục đầu tư và xây dựng các sự kiện có thương hiệu, mang tầm quốc tế như Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Lễ hội thiết kế sáng tạo…Phát huy mô hình hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại các đình tổ nghề, rạp hát bao cấp và các dịch vụ công cộng… Tạo cơ chế xứng đáng với mức độ đầu tư.

 

Các đồng chí thành viên Đoàn trao đổi ý kiến

Tại buổi làm việc, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đã trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các sản phẩm văn hóa có thương hiệu tại Hà Nội như: “Đêm thiêng liêng”, “Lửa thanh xuân”, “Phút hồi sinh”… đồng thời bày tỏ nguyện vọng tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ và thu hút nhân tài.

Đại diện các đơn vị sự nghiệp báo cáo tại buổi làm việc

Tiếp thu ý kiến của Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục Quốc hội, đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết sẽ bổ sung, hoàn thiện báo cáo và bày tỏ mong muốn Đoàn khảo sát quan tâm hơn nữa tới các đề xuất, kiến nghị của Sở để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, góp phần phát huy hiệu quả hơn nữa các thiết chế văn hóa và thể thao.

Thanh Mai

 

.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *