Văn hóa cơ sở

Độc đáo điệu múa Rắn lột ở Trường Lâm

Nằm bên dòng sông Đuống, làng Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên) có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với dòng chảy lịch sử của kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Người dân vùng đất giàu truyền thống này vẫn luôn gìn giữ, bảo tồn và trao truyền nghi thức múa dân gian cổ Rắn lột độc đáo của quê hương.

Thật hiếm có mảnh đất nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ còn lưu giữ được nhiều điệu múa cổ như Hà Nội. Và cũng hiếm có địa phương nào lại có tới hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như phường Việt Hưng, quận Long Biên. Đó là Lễ hội làng Lệ Mật với màn múa Giảo long và Lễ hội làng Trường Lâm với nghi lễ múa Rắn lột.

Lễ hội làng Trường Lâm và nghi thức múa Rắn lột có từ khoảng thế kỷ XV, gắn liền với di tích lịch sử đình Trường Lâm, địa danh thờ 3 vị Thành hoàng làng là Thánh Linh Lang Đại vương – Thượng đẳng phúc thần; công chúa Đào Hoa (còn gọi là Thiên tiên Đào Anh phu nhân) – Thượng đẳng thần; công chúa Phù Nương – Trung đẳng thần. Truyền thuyết kể rằng Hoàng Lang – con trai vua Lý Thánh Tông và vị cung phi thứ chín tên Hạo Nương, có công dẹp giặc Tống, được vua cha nhường ngôi nhưng không nhận. Ngài tâu rằng mình vốn là con vua Long vương, vâng mệnh trời xuống giúp dân giúp nước, xong việc xin trở về Thủy quốc. Ngài xin vua được cho thờ ở nơi sinh và cho lấy lá cờ lệnh tung lên trời đến đâu thì được thờ ở đó. Vua ưng thuận. Ngài bước lên phiến đá hóa Bạch xà dài trăm trượng bò xuống hồ Tây vào mồng 10 tháng Hai năm Đinh Tỵ (1077). Người dân làng Trường Lâm sáng tạo nên điệu múa Rắn lột, tái hiện cảnh Bạch xà là hiện thân của Linh Lang Đại vương ba lần lột xác để hóa Thánh, nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công ơn của các bậc thánh thần và tổ tiên của làng.

Sau các nghi thức rước nước, tế nam quan là tới nghi thức múa Rắn lột. Khoảng 7 đến 9 nam thanh niên chưa vợ được làng chọn ra trình diễn, mỗi người đảm nhận một khúc của con rắn. Đạo cụ minh họa đầu và đuôi rắn làm bằng mã. Đầu rắn do người đứng đầu đội, đuôi rắn do người ở cuối đeo vào lưng. Các nam thanh niên trẻ trung, tuấn tú trong trang phục màu trắng, đeo thắt lưng vải màu vàng, bám vào nhau, di chuyển theo dáng khom người để tạo thành hình con rắn hoàn chỉnh. Màn múa không thể thiếu người cầm trống khẩu vừa gõ vừa xướng khúc đồng dao: “Bạch xà đại tướng/Mình dài muôn trượng/Đi khắp bốn phương/Hộ quốc an dân/Khang dân vật thịnh/Trở về làng ta/Là Trường Lâm sở/Mở hội xướng ca/Đình trung vui vẻ/Chúc già mạnh khỏe/Trẻ được bình an/Con cháu thảo hiền/Nhân dân thờ phụng/Má nha má nhạc/Đánh giá toàn thiên/Nghe lệnh trên truyền/Ta đi nơi khác”. Người cầm trống khẩu chỉ huy rắn trườn, bò, lộn, thể hiện quá trình lột xác. Mỗi một động tác thể hiện sự chuyển mình của rắn, bắt đầu từ yếu ớt đến khi lột xác khỏe mạnh, với ý nghĩa phản ánh câu chuyện của nhân dân ta thời xưa, bị đàn áp rồi vùng dậy với sức sống mãnh liệt. Sau ba lần lột xác, tương đương với khoảng thời gian một tuần hương, ba tuần rượu, rắn trườn vào bên trong hậu cung của đình và biến mất. Kết thúc màn trình diễn, phần đầu và đuôi rắn được làm lễ “phần hoàng” (hóa vàng).

Màn múa Rắn lột đặc sắc, hấp dẫn người xem. (Ảnh: Thanh Nhàn)

Múa Rắn lột là một trong những điệu múa cổ đất Thăng Long. (Ảnh: Thế Dương)

Múa Rắn lột ở Trường Lâm là sự kết hợp giữa huyền tích xưa và nghi thức cộng đồng, đề cao yếu tố tâm linh và tinh thần chống lại thiên tai, địch họa cũng như thái độ ứng xử với thiên nhiên trong việc trị thủy của cư dân nông nghiệp bên dòng sông Thiên Đức xưa.

Lễ hội làng Trường Lâm được tổ chức từ ngày 9 đến 11/2 âm lịch hàng năm tại cụm di tích đình – chùa Trường Lâm, nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Mỗi dịp lễ hội, người dân lại tề tựu dự hội làng và thưởng thức điệu múa Rắn lột – di sản văn hóa được gìn giữ, trao tuyền và tiếp nối giữa các thế hệ người dân Trường Lâm.

Bảo Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *