Văn hóa cơ sở

Đổi thay trên quê hương Yên Bài

Yên Bài hôm nay đã có nhiều đổi thay tích cực từ diện mạo đến đời sống Nhân dân. 8/8 thôn đều đạt danh hiệu văn hóa. Bà con đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Là xã miền núi của huyện Ba Vì, có 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 45% đồng bào dân tộc Mường, xã Yên Bài đã phát huy sức mạnh đoàn kết, đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, việc xây dựng đời sống văn hóa có nhiều khởi sắc với 8/8 thôn đạt danh hiệu văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp.

Cổng làng Phú Yên, xã Yên Bài

Ảnh: Nguyễn Mai

 Trước đây, Yên Bài là xã nghèo, cơ sở hạ tầng có nhiều hạn chế, môi trường bị ô nhiễm. Để “thay da đổi thịt” cho quê hương, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong xã để xây dựng nông thôn mới. Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng. Mọi phần việc  liên quan đến tài chính được tổ chức công khai, minh bạch, phát huy quy chế dân chủ để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phong trào thi đua phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của các gia đình được  chú trọng.  Xã đã triển khai nhiều hình thức nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh phong trào xóa bỏ vườn tạp, cơ cấu các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế, hình thành sản xuất hàng hóa mang tính tập trung theo vùng đã được đẩy mạnh. Trong đó, Mặt trận tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể của xã đã tích cực tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mạnh dạn áp dụng giống mới và các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bà con trong xã hiện đang phát triển mạnh diện tích trồng cây ăn quả như bưởi Diễn; duy trì làng nghề trồng và sản xuất chè búp tươi và nhiều gia đình kết hợp với chăn nuôi quy mô nhỏ để tận dụng sản phẩm phụ từ kinh tế vườn. Trong những năm gần đây, để người dân có thu nhập ổn định và tăng trưởng, Yên Bài tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa. Toàn xã hiện có trên 400 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn đạt 1.300 con, đứng thứ 2 trong toàn huyện về số hộ chăn nuôi bò sữa. Các giải pháp đó đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của các hộ gia đình.  Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở Yên Bài đạt 50,3 triệu đồng/người/năm.

Song song với phát triển kinh tế, việc giải quyết “vấn nạn” ô nhiễm môi trường cũng được chính quyền, các đoàn thể  quan tâm giải quyết triệt để. Xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm là do nhiều gia đình trên địa bàn chăn nuôi bò, lợn, gà… nhưng không áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động  bà con thay đổi từ tư duy đến hành động. Xã đã tổ chức nhiều cuộc họp Nhân dân để phổ biến lợi ích của việc bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường; mời các cơ quan chuyên môn đến hướng dẫn cho bà con các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi; tổ chức ký cam kết với các hộ dân về bảo vệ, giữ gìn môi trường…Nhờ nhiều biện pháp đồng bộ, hiện nay, 100% hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp xây hầm biogas, phun thuốc sinh học khử mùi, ủ thành phân bón hữu cơ. Ngoài ra, vào ngày cuối tuần, các thôn còn tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, nhổ cỏ dại, trồng hoa trên các trục đường. Vấn đề ô nhiễm được giải quyết, cảnh quan, diện mạo ở Yên Bài đã ngày càng xanh – sạch – đẹp.


Nhân dân thôn Bài biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội đại đoàn kết  toàn dân tộc

Ảnh: Kim Nhuệ

Cuối năm 2020, xã Yên Bài đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng giáo dục dạy và học ngày càng chuyển biến rõ rệt. Xã duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay, cả 8/8 thôn đều được UBND huyện công nhận đạt danh hiệu văn hóa. Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng được duy trì. Nhiều thôn đã được huyện hỗ trợ kinh phí mua cồng chiêng, truyền dạy kỹ thuật biểu diễn để khôi phục lại nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường. Trong xã đã có nhiều điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa. Tiêu biểu như ở thôn Bài, từ năm 2017 đến nay, hàng năm có từ 92-95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Tỷ lệ hỏa táng đạt 70%. Thôn có câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ múa hát tiếng Mường, câu lạc bộ cầu lông, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng. Nhiều năm không có trường hợp tảo hôn. Đó là những đóng góp tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa của Hội Người cao tuổi xã. Hội Người cao tuổi xã với các phong trào luyện tập dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cờ tướng… của người cao tuổi, từ đó đã có tác dụng lan tỏa tới các tầng lớp Nhân dân, thúc đẩy mọi người tích cực tham gia luyện tập, góp phần nâng cao sức khỏe. Hội viên Hội Người cao tuổi của xã cũng chính là nòng cốt trong việc khôi phục, phát triển Đội cồng chiêng của các thôn, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân thêm phong phú, hấp dẫn…

Yên Bài hôm nay đã có nhiều đổi thay tích cực từ diện mạo đến đời sống Nhân dân. Vùng quê nông thôn mới đã xanh – sạch – đẹp và trở nên đáng sống. Vui mừng trước kết quả đạt được, chính quyền, Nhân dân Yên Bài đang tiếp tục nỗ lực, chung sức, chung lòng, phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Nguyễn Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *