Tin tức - Sự kiện

Đồng chí Lê Văn Lương, người cộng sản kiên trung, bất khuất

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu cao tấm gương trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dù ở cương vị công tác nào, Đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ Nhân dân.

Đồng chí Lê Văn Lương, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Đồng chí Lê Văn Lương

Sinh ra trong một gia đình nho học và khoa bảng ở một địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Lê Văn Lương đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương.

Năm 1927, khi mới 15 tuổi, là học sinh Trường Bưởi, Đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 6/1929, Đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8/1929, đồng chí được cử vào Nam Bộ hoạt động, cùng với đồng chí Ngô Gia Tự trong phong trào công nhân Sài Gòn để thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Đảng. Tháng 01 năm 1930, đồng chí Ngô Gia Tự thay mặt Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng công nhận Đồng chí là đảng viên chính thức của Đảng. Sau khi trở thành đảng viên chính thức, Đồng chí càng tích cực hoạt động nhằm xây dựng cơ sở và phát triển đảng viên mới trong công nhân, lao động Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dưới sự chỉ đạo của Ban Lâm thời chấp uỷ, các tổ chức cộng sản được tiến hành hợp nhất thành các chi bộ đảng cộng sản. Thực hiện chủ trương của Ban chấp uỷ, đồng chí Lê Văn Lương (lúc này có bí danh là Phạm Văn Khương) cùng với các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Lê Quang Sung, Phạm Ký đã đứng ra thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của công nhân hãng Faci.

Cuối năm 1930, đồng chí Lê Văn Lương được tổ chức điều động về hoạt động tại hãng dầu Socony (hãng dầu Nhà Bè) với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chỉ đạo phát triển chi bộ đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng trong công nhân.

Bước sang năm 1931, phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, mang tính chất chính trị rõ rệt. Ngày 01/01/1931, diễn ra Đại hội Tổng Công hội Nam Kỳ lần thứ 2, đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm Uỷ viên Tổng Cổng hội Nam Kỳ.

Ngày 23/3/1931 nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân Hãng dầu Nhà Bè do đồng chí Lê Văn Lương và một số đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo nhưng đã bị thực dân Pháp đàn áp; đồng chí Lê Văn Lương đã bị địch bắt.

Sau hơn hai năm giam giữ và dùng mọi cực hình tra tấn, kẻ thù vẫn không hề lấy được một lời khai nào, chúng đành phải dựng lên một phiên toà để xét xử Đồng chí và những đảng viên đảng cộng sản khác. Báo chí thời đó gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Trước tòa án của kẻ thù các đồng chí đã nêu cao phẩm chất, khí phách của người yêu nước, cách mạng, dũng cảm bảo vệ lý tưởng cộng sản và mục tiêu giành độc lập dân tộc của Đảng Cộng sản.

Mặc dù không có đủ chứng cứ nhưng bọn quan toà vẫn tuyên án tử hình đối với 8 đồng chí trong đó có Lê Văn Lương. Những lời lẽ phản kháng của đồng chí Lê Văn Lương và các đảng viên cộng sản khác trong phiên toà đã vang động trong lòng người dân Sài Gòn – Chợ Lớn lúc đó và tạo nên một phong trào đấu tranh của Nhân dân đòi địch phải giảm án cho những người cộng sản.

Do những tác động tích cực của cách mạng thế giới; trước khí thế đấu tranh của nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và phong trào của lực lượng tiến bộ Pháp và sự đấu tranh trực tiếp của các đảng viên cộng sản, thực dân Pháp buộc phải giảm các án tử hình xuống chung thân khổ sai. Năm 1934, địch đày đồng chí Lê Văn Lương và các bạn tù ra giam giữ ở Côn Đảo. Suốt 15 năm lao tù, Đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất người cộng sản. Tấm gương kiên cường, bất khuất của Đồng chí có ảnh hưởng tích cực đến những người tù trên đảo, đến phong trào cách mạng ở trong nước thông qua những đồng chí được trả tự do hay hết hạn tù. Với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng với các đồng chí của mình thành lập Chi bộ cộng sản ngay tại nơi “địa ngục trần gian” ấy.

Giữa năm 1934, Chi ủy Chi bộ nhà tù Côn Đảo gồm các đồng chí Ngô Gia Tự, Trần Quang Tặng, Phạm Hùng, Nguyễn Công Khương (tức Lê Văn Lương) đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh của những người tù xe củi từ An Hải về Lò Than buộc địch phải nhượng bộ. Chi bộ đã cùng với Hội tù nhân đấu tranh đòi cai ngục giảm nhẹ lao động đối với tù nhân ốm đau, giảm nhẹ khổ sai.

Ngày đi làm khổ sai, tối đến đồng chí Lê Văn Lương vẫn cần mẫn viết bài chỉ đạo cho báo “Tiến lên”, tờ báo bí mật của Hội tù nhân, hướng dẫn đấu tranh trong tù và tập san “Ý kiên chung”- tập san nghiên cứu lý luận trong tù. Tấm gương của Đồng chí có ảnh hưởng tích cực đến những người tù ở toàn đảo, đến phong trào cách mạng ở trong nước qua những đồng chí được trả lại tự do hay hết hạn tù.

Năm 1948, khi được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Đồng chí là người làm việc bên cạnh Bác Hồ và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng giúp Tổng Bí thư Trường Chinh giải quyết các công việc hằng ngày của Đảng. Đặc biệt, đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần quan trọng vào việc soạn thảo Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương (miền Bắc Đông Dương) bàn về tổ chức các ban, tiểu ban ở Trung ương và cấp ủy địa phương.

Trong thời gian làm Trưởng ban Đảng vụ từ 1948 – 1950, Đồng chí đã giúp Trung ương Đảng soạn thảo Điều lệ Đảng mới, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính Ban Bí thư chuẩn bị về một số công việc liên quan đến tổ chức – cán bộ… góp phần tích cực vào công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ II.

Trên cương vị Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (1949 1956), đồng chí Lê Văn Lượng đã góp phần giúp Trung ương Đảng tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập. Đồng chí đã có đóng góp to lớn đưa nhà trường vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trong công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng lý luận – chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Đồng chí luôn chú trọng tới công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng; đấu tranh không khoan nhượng đối với cái sai; gần gũi quần chúng, giúp đỡ đồng chí mình tiến bộ. Đồng chí đã luôn đi sát cơ sở, đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách cán bộ của Đảng.

Trên cương vị 10 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (giai đoạn 1976 – 1986), đồng chí Lê Văn Lương đã cùng tập thể Thành ủy lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đạt được nhiều thành tích quan trọng trên mọi mặt công tác, trở thành điểm sáng để các địa phương trong cả nước học tập, noi theo.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI và khóa VII. Đồng chí Lê Văn Lương từ trần ngày 25/4/1995 tại Bệnh viện Quân Y 108 Hà Nội, thọ 83 tuổi.

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu cao tấm gương trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dù ở cương vị công tác nào, Đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ Nhân dân. Với gần 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

BTG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *