Tin tức - Sự kiện

Giải pháp quản lý di tích trên địa bàn 

Quản lý di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội luôn là bài toán khó, song với sự chỉ đạo từ Thành phố và nỗ lực của ngành văn hóa và thể thao, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm mang lại hiệu quả cho công tác trên. Đền […]

Quản lý di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội luôn là bài toán khó, song với sự chỉ đạo từ Thành phố và nỗ lực của ngành văn hóa và thể thao, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm mang lại hiệu quả cho công tác trên.

Đền Ngọc Sơn, di tích nằm tại Trung tâm Thành phố

Hiện nay, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích. Trong số di tích này, có 2.435 di tích được xếp hạng. Cụ thể, có 1 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, 13 di tích (cụm di tích) Quốc gia đặc biệt, 04 di tích đang lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp Quốc gia, 1.202 di tích cấp Thành phố.

Thành phố cũng là đơn vị quản lý 11 di tích quan trọng, gồm Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long; Khu di tích Cổ Loa; Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc – Hà Đông; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích 5D Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; cụm di tích Đền Bà Kiệu, hồ Hoàn Kiếm – Di tích Đền Ngọc Sơn – tượng đài Vua Lê. Như vậy, phần lớn di tích do cấp huyện quản lý trong danh mục kiểm kê (ngoài các di tích thành phố và bộ ngành quản lý).
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động, với số lượng di tích đồ sộ, công tác quản lý di tích đã đặt ra cho ngành văn hóa không ít những khó khăn bất cập, đòi hỏi phải có định hướng, kế hoạch rõ ràng, một mặt để thực hiện tốt công tác quản lý, mặt khác phát huy được giá trị nội tại, thúc đẩy nguồn lực kinh tế. Từ thực tế trên, nhằm có cái nhìn tổng thể về di tích giúp các nhà quản lý có được số liệu, những thông tin cơ bản về giá trị, hiện trạng của hệ thống di tích trên địa bàn để tham mưu cho UBND Thành phố có những cơ chế, quyết sách phù hợp, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành Tổng kiểm kê di tích trên địa bàn Hà Nội.
Kết quả, trên địa bàn Thành phố có 50 di tích Lịch sử cách mạng, 1.804 ngôi đình, 2.007 ngôi chùa, 811 ngôi đền, 292 ngôi miếu, 18 nghè, 185 ngôi quán, 390 nhà thờ họ, 23 lăng mộ, 35 văn chỉ và các loại hình di tích khác gồm 307 di tích (số liệu kiểm kê thực tế). Trong số lượng các di tích phân theo loại hình này có 44 di tích có niên đại khởi dựng thời Lý – Trần, 1.135 di tích có niên đại khởi dựng thời Lê, 3.491 di tích có niên đại khởi dựng thời Nguyễn, 1.252 di tích được khởi dựng từ năm 1945 đến nay. Cũng trong tổng số các di tích này có 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ, 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình, 597 di tích xuống cấp nhẹ và 166 di tích vi phạm (có hộ dân sinh sống trong khuôn viên di tích, lấn chiếm di tích…). Qua công tác kiểm kê, góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản, gắn hoạt động bảo tồn với phát triển, hoạt động bảo tồn liên kết với du lịch, đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cũng cho biết, hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao đang tiến hành tiếp tục rà soát, phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch phân loại những di tích xuống cấp theo từng cấp độ. Đặc biệt, thực hiện việc chống xuống cấp tại những di tích xuống cấp nặng có nguy cơ sập đổ theo phân cấp của Thành phố. Đồng thời, có phương án chống đổ, chống sập cho di tích tại những khu vực nguy hiểm, làm biển thông báo khu vực nguy hiểm ở vị trí phù hợp, bảo vệ, bảo quản hiện vật trong di tích, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng thất lạc, mất mát, hư hỏng.
Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế và có sự phối hợp của nhiều cấp ngành liên quan. Công tác tu bổ di tích mang tính đặc thù trong việc bảo tồn yếu tố gốc của di tích, do vậy, rất cần có đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề trong việc triển khai thực hiện. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao qua các nguồn kinh phí cấp từ ngân sách thành phố, nguồn thu phí tham quan một số di tích và hỗ trợ kinh phí tu bổ tôn tạo một số di tích do cấp huyện quản lý, ngân sách cấp nào cấp ấy chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, do số lượng di tích xuống cấp quá lớn, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực cho việc này nên cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân, huy động sức dân tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn xã hội hóa.
Trên cơ sở đó, tiến hành lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành phố Hà Nội đến năm 2030; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; xây dựng hồ sơ tư liệu về di tích; định hướng kế hoạch hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích, kế hoạch giải tỏa các vi phạm di tích, kế hoạch xếp hạng, cắm mốc giới di tích…
Theo Cổng GTĐT TP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *