Nghệ thuật

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh: Một đời gắn bó với múa dân tộc

  87 tuổi đời với 72 năm cống hiến cho nghệ thuật múa Việt Nam nói chung và nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội nói riêng, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh như cánh chim không mỏi, một đời mải miết đi tìm và lan tỏa vẻ đẹp, lưu giữ giá trị của nghệ thuật múa dân tộc.

       

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh sinh năm 1933, là người làng Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Những ngày mùa đông năm 1946, cậu thiếu niên Ngọc Canh 14 tuổi tham gia đội Vệ Quốc quân nhí (hay Đội Vệ út) sát cánh với các anh Vệ Quốc đoàn chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Ngày ấy, những chiến sỹ nhỏ có nhiệm vụ liên lạc giữa các khu phố của Hà Nội, truyền tin từ trung đội đến các tiểu đội, đại đội. Chiến sỹ nhí Ngọc Canh được phân vào Đại đội 14, Tiểu đoàn 103, Trung đoàn Thủ Đô. Đến năm 1947, theo Trung đoàn Thủ đô rút quân lên Việt Bắc, cậu vừa học văn hóa vừa học hát, múa và sau đó trở thành diễn viên của đội văn nghệ biểu diễn phục vụ chiến sĩ và Nhân dân chiến khu. Từ ấy, tình yêu với những điệu múa, lời ca cứ thế ngấm sâu, lớn dần rồi thành cái nghiệp mà GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh đeo đuổi và dành trọn tâm huyết một đời.

Ông ở trong quân ngũ đến năm 1984 thì chuyển sang công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội), nghiên cứu văn hoá dân gian, nghệ thuật dân gian, dân tộc các vùng miền, đặc biệt là nghệ thuật múa. GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh là một trong số nghệ sĩ múa hiếm hoi được Nhà nước cử sang nước ngoài để đào tạo tiến sĩ nghệ thuật học.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh đã nhiều năm trèo đèo lội suối, lặn lội tới vùng núi cao Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ… đi tìm những điệu múa cổ của các dân tộc như: Mường, Tày, Thái, Mông, Dao, Khơme, Chăm, Mạ…

Là một người con Hà Nội, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh luôn trăn trở với việc phục hồi những điệu múa cổ của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Ông là chủ nhiệm đề tài “Sưu tầm và phục hồi múa cổ Thăng Long” được thực hiện trong 15 năm (2005-2019). Ông đã cùng nhóm hội viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đi khắp vùng nội, ngoại thành Thủ đô sưu tầm, phục dựng hơn 50 điệu múa cổ như múa Rắn lột ở phường Việt Hưng, quận Long Biên; múa Xếp chữ ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; múa Trống Bồng ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì… Sau khi sưu tầm và phục dựng, ông và Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội tổ chức 5 chương trình liên hoan múa cổ Thăng Long – Hà Nội. Theo GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, múa cổ Thăng Long – Hà Nội gắn liền với lễ hội, văn hóa làng, do đó phải để múa cổ tồn tại trong không gian, trong cộng đồng dân cư đã sản sinh điệu múa đó. Ông đã hiện đại hóa múa cổ với những sáng tác chuyên nghiệp dựa trên chất liệu múa cổ, từ đó đưa múa dân gian đến gần hơn trong đời sống đương đại.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh đã biên soạn, đồng biên soạn và xuất bản hơn 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa và văn hóa, tiêu biểu như: “100 điệu múa truyền thống Việt Nam”; “Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam”; “Nghệ thuật múa cổ truyền vùng Hà Nội mở rộng”, “Múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội”; “Văn hóa làng Đa Sỹ”… Ông đảm nhận vai trò chủ nhiệm công trình nghiên cứu “Nghệ thuật múa trong lễ hội ở Thăng Long – Hà Nội”, dự kiến xuất bản trong năm 2021.

Trong 72 năm hoạt động nghệ thuật, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh sở hữu một “gia tài” gần 160 tác phẩm nghệ thuật, từ kịch múa, thơ múa, múa dân tộc đến múa hiện đại. Mốc son đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh là vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” mà ông là tác giả biên đạo cùng một số đồng nghiệp khác, đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật năm 2000. Tác phẩm “Giã gạo dưới trăng” giành Huy chương Vàng quốc tế và đã được Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Bun-ga-ri biểu diễn. Ngoài ra, ông còn có 46 Giải thưởng và Bằng khen của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, hàng chục tác phẩm nghệ thuật đạt Huy chương Vàng  và Huy chương Bạc quốc gia.

Vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” đạt giải thưởng cao quý – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý trong sự nghiệp như: Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1998; danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Năm 2014, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư và trở thành giáo sư đầu tiên của ngành Múa Việt Nam. Tháng 10 vừa qua, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh được thành phố Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020.

Ngân Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *