Tiêu điểm Hà Nội

Hà Nội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành phố Hà Nội triển khai thông qua việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào đào tạo nguồn nhân lực…

Tiếp tục kế thừa những thành tựu quan trọng trong thực hiện Chương trình 04, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, về  “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Chương trình nêu rõ mục tiêu của Thủ đô về phát triển về nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong Kế hoạch số 176/KH-UBND ban hành ngày 30/7/2021, về thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy, Thành phố xác định sẽ tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó là: Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Song song với các nhóm giải pháp, Hà Nội đặt ra các chỉ tiêu cụ thể. Về giáo dục phổ thông, số trường học công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia là 80-85%; đầu tư xây dựng từ 3 đến 5 trường liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) có diện tích tối thiểu 5ha, có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực. Về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 – 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 – 60%; Mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230.000 lượt người.

Nâng cao chất lượng giáo dục  toàn diện ở các cấp học

Để triển khai hiệu quả các chỉ tiêu trên, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tập trung xây dựng quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật vào Quy hoạch chung của Thành phố. Triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học; Phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội. Toàn Thành phố hiện có 23 trường chất lượng cao được công nhận, trong đó có 17 trường công lập và 06 trường ngoài công lập. Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác chuyển đổi số. Hà Nội là một trong 4 địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm, đạt từ 71,1% năm 2021 lên 72,23% năm 2022 (tăng 1,13%). Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 50,2% năm 2021 lên 52,5% năm 2023 (tăng 2,3%). Phấn đấu đạt 73,2% năm 2023. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 2.500 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo; Hỗ trợ, tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình ở các trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, trong đó có xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao.

Ngành công nghiệp rất cần nguồn lực chất lượng cao

Kết quả tuyển sinh, đào tạo trong những năm gần đây đã khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Chỉ số đào tạo lao động năm 2020 đứng thứ tư toàn quốc; sang năm 2021, đứng thứ nhất toàn quốc, khẳng định các nỗ lực của Thành phố để thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương và chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước.

Về công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Hà Nội đã ban hành Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030”; bồi dưỡng Đại biểu HĐND các cấp; bồi dưỡng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức các chức danh khác thuộc các phường trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Tổ chức 04 lớp bồi dưỡng xây dựng tầm nhìn, tư duy chiến lược phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao đối với cán bộ diện Ban Thường vụ quản lý và quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ quản lý. Xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật, trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng, phát triển Thủ đô; phê duyệt, tiếp nhận vào làm công chức với 105 trường hợp, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ 36 chỉ tiêu.

Có thể khẳng định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 06-CTr/TU, ban hành ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo việc phê duyệt tiêu chí trường phổ thông liên cấp tiên tiến, hiện đại theo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Xây dựng kế hoạch thi thiết kế mô hình trường, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *