Văn hóa

Hoa đào ngày Xuân

Mỗi mùa Xuân về, trên khắp các nẻo đường cả nước và trong mỗi nhà, đâu đâu ta cũng thấy đào. Nào đào bích, đào phai, đào tuyết, đào ta, đào rừng…thật đẹp. Tương truyền ban đầu đào có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước Nam Á, trong đó có Việt Nam, sau lan truyền đến Trung Á, Tây Á, châu Mỹ.

Đào ở Việt Nam và châu Á không chỉ như là một loại cây, hoa, quả phổ biến mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện văn hóa và tín ngưỡng. Nói đến hoa đào là nói đến mùa Xuân, mùa Xuân nhất thiết phải có màu sắc của hoa đào. Tết – Mùa Xuân – Hoa đào – Con người đã là một thể thống nhất thiên – địa – nhân trong thế giới nhân sinh, trong văn hóa người Việt. Nguyễn Trãi từng viết: Một đóa đào yêu khéo tốt tươi – Cách Xuân mơn mởn thấy Xuân cười”.

Sắc xuân tươi đẹp, rực rỡ của hoa đào

       Vì sao lại như vậy? Theo giải thích của nhiều người thì cây đào được xem là một loại cây dùng để trừ tà, đuổi quỷ mang lại sự an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia chủ. Vì vậy, cây đào hàng ngàn đời nay luôn được yêu chuộng và xem như biểu tượng của ngày Tết. Tuy nhiên, có sự trùng hợp là cây đào thường nở hoa vào mùa Xuân và chiếm vị trí đặc trưng cho mùa Xuân, bởi khi xưa, các loài hoa chưa được phong phú và phổ biến như bây giờ, thêm vào đó hoa đào rất thích hợp với không khí lạnh của miền Bắc. Giữa cái giá rét của mùa đông, đào vươn mình trỗi dậy, nảy lộc, đâm chồi, kết nụ, nở hoa mỗi ngày đã mang lại cho người thưởng thức một cảm giác hồi hộp, sung sướng. Thế nên hoa đào ngày Xuân được gắn với nỗi niềm khát khao về một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc của người xưa.

Ở miền Bắc nước ta còn lưu truyền câu chuyện rằng, trên ngọn núi nọ có một cây đào rất to, trên cây có hai vị thần được Ngọc Hoàng sai xuống cai quản, một vị tên là Trà, vị kia tên là Uất Lũy. Hai vị thần này có năng lực xua đuổi tà ma nên quanh vùng không có ma quỷ nào dám xâm phạm, cuộc sống nhân dân được an bình, sung túc. Nhưng cứ đến ngày cuối năm, hai vị thần này phải về chầu trời nên ma quỷ lại đến quấy phá cư dân. Thấy vậy, hai vị thần căn dặn nhân dân khi họ về trời, mọi người hãy bẻ nhánh cây đào có hoa mang về cắm trong nhà, ma quỷ thấy cây hoa đào, tưởng thần ở đấy nên sẽ không đến quấy phá nữa. Người dân nghe lời, đến ngày cuối năm lại bẻ nhánh đào mang về nhà cắm trong lọ, để trừ tà đuổi ma. Có người thì nhổ cả cây mang về trồng trong nhà để mong quanh năm sẽ không bị tà ma quấy phá. Với những câu chuyện, ý nghĩa đó mà cây đào đã mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh cho Tết cổ truyền của người Việt từ xa xưa cho đến nay.

Cây đào, từ đó cũng tạo ra cho người thưởng thức những thú chơi vừa tao nhã vừa nhân văn, đơn giản mà cũng cầu kỳ. Đơn giản ở chỗ, bạn chỉ cần ra chợ hoa dịp Tết, chọn lấy 1 cành ưng ý mang về nhà là đã có không khí Xuân rồi. Cầu kỳ là khi bạn là người chơi đào, mỗi ngày bạn thường dành thời gian, tâm trí cho chăm sóc, uốn tỉa từ nhánh cây, thế cây, gốc cây, đến lá, đến nụ, đến hoa. Có khi đơn thuần bạn sẽ phải mất nhiều ngày, đi nhiều chợ hoa để chọn một cành đào thế, một cây đào thế, với nụ, với hoa, lá vừa đẹp, vừa độc đáo để mang về nhà, vừa có mùa Xuân, vừa có Lộc, có Phúc, có Vui, lại xua đuổi được  ma tà, xui xẻo. Hoa đào được các thi nhân nâng lên một tầm cao mới – gắn với thiên nhiên, với cái đẹp, với thiếu nữ và tình yêu. Tiếng Việt và thơ ca Việt Nam, chữ đào thường gắn với người con gái, với nhân duyên, tình yêu: Đào hoa, vườn đào, phận má đào, đào tơ…:“Cách tường phải buổi êm trời – Dưới đào dường có bóng người thướt tha” (truyện Kiều – Nguyễn Du) hoặc: “Bướm vàng, bướm trắng, bướm xanh – Bay qua lượn lại quẩn quanh vườn đào” (ca dao). Theo ý nghĩa lớn hơn, vua Quang Trung lại chọn hoa đào là biểu tượng của niềm vui chiến thắng, hứa hẹn những điều tốt đẹp phía trước. Khi đánh đuổi hơn 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, ông đã chọn cành đào gửi về cố đô Huế cho Hoàng hậu Ngọc Hân – cành đào báo tiệp. Hàng năm, trong lễ hội gò Đống Đa bao giờ cũng có những cành đào trang trí sân khấu lễ hội, các tích trò, vở diễn khi nói về mối tình của đôi trai tài gái sắc này bao giờ cũng có cành đào báo tin vui.

Sắc đào rực rỡ, báo tin vui trong lễ hội Gò Đống Đa hàng năm

Hoa đào nổi tiếng thế, nên ở Hà Nội từ xa xưa đã có những làng chuyên trồng đào phục vụ ngày Xuân như làng đào Nhật Tân, nay là các làng đào vùng ngoại ô Hà Nội thuộc huyện Mê Linh, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Chương Mỹ. Nổi tiếng nhất và đẹp nhất vẫn là đào Nhật Tân. Đào Nhật Tân đẹp là bởi kỹ thuật của người trồng hoa và thổ nhưỡng vùng này, thế nên dù người đơn giản hay người cầu kỳ, sành chơi, mỗi khi Tết đến Xuân về ai cũng mong mình có một cành đào, cây đào Nhật Tân về chơi ngày Tết. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như ý muốn nên các loại đào rừng, đào ta, đào trồng ở các làng hoa khác đã được phát triển, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *