Tin tức - Sự kiện

Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy

Sáng 16/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023, của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy với 649 điểm cầu và sự tham gia của 23.041 đại biểu, trong đó có đại diện các cơ quan Trung ương, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng các ban Đảng Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cán bộ chủ chốt các cấp ủy trực thuộc Thành ủy, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn…

Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã truyền đạt nội dung Chỉ thị số 24-CT/TU. Theo đó, tiêu đề “tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố” đặt nội dung “kỷ cương” lên đầu tiên, tiếp đó là “kỷ luật”, “trách nhiệm” thể hiện rất rõ tính chấp hành, sự quyết tâm, tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy; nhấn mạnh tăng dần mức độ, yêu cầu trong công tác quản lý hành chính và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại, với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020- 2025, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành từ Thành phố xuống cơ sở tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ.

Lãnh đạo Thành ủy chủ trì Hội nghị

Cụ thể: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố.

Thứ hai, yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc.

Thứ ba, rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị theo nguyên tắc là toàn bộ các nội dung phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành của Trung ương và thành phố.

Thứ tư, về công tác cán bộ, yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của thành phố, mất đoàn kết nội bộ, tín nhiệm thấp, dư luận cán bộ, đảng viên và đơn thư phản ánh tiêu cực, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Thứ năm, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan.

Thứ sáu, phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị; đưa kết quả thực hiện Chỉ thị này thành một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương…

Điểm cầu tại Thành ủy Hà Nội

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, ngoài 6 nhiệm vụ, Chỉ thị còn có phụ lục Gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, bao gồm 12 biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật; 9 biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; 4 biểu hiện về trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo.

Điểm cầu tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

“Có thể nói Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, điều đó thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố. Tuy nhiên đây mới là bước đầu trong việc triển khai các nội dung mới, chưa có tiền lệ. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Đồng thời các cấp, các ngành qua thực tế triển khai, thực hiện Chỉ thị kịp thời phản ánh, đóng góp để điều chỉnh, bổ sung vào khung nhận diện cho đúng, trúng và sát với tình hình thực tiễn của thành phố trong thời gian tới”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *