Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Huyện Hoài Đức hoàn thành 15/19 chỉ tiêu Chương trình 06 – CTr/TU của Thành uỷ

Tính đến hết năm 2023, huyện Hoài Đức đã hoàn thành 15/19 chỉ tiêu Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, trong đó có 11 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Toàn cảnh Hội nghị làm việc ngày 28/12/2023 – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Ngày 28/12/2023, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã chủ trì làm việc với huyện Hoài Đức về việc thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo của huyện Hoài Đức: Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ, huyện Hoài Đức đã cụ thể hoá bằng Chương trình 06-CTr/HU của Huyện uỷ và các kế hoạch của BCĐ, UBND huyện cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU với 19 chỉ tiêu thuộc 3 nhóm nội dung, Hoài Đức đã hoàn thành 15 chỉ tiêu thành phố giao, trong đó 11 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Cụ thể: tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện đạt 95,5%; tỷ lệ thôn, làng giữ vững danh hiệu văn hoá đạt 95%, tổ dân phố văn hóa đạt 93%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa hằng năm là 95%. Riêng thị trấn Trạm Trôi được công nhận lại là thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Toàn cảnh Hội nghị làm việc ngày 28/12/2023 – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 06-CTr/TU, Hoài Đức đang tập trung hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, dự án đầu tư để triển khai xây dựng 12 khu cây xanh, thể dục thể thao tập trung; xây dựng mới 39 khu cây xanh, vườn hoa; nhiều ao, hồ trong khu dân cư được chỉnh trang tạo không gian xanh trong khu dân cư. Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, huyện Hoài Đức phân bổ kế hoạch vốn hơn 555 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa đối với 54 dự án nhà văn hóa thôn, 8 dự án nhà văn hóa trung tâm xã đạt chuẩn… Đến nay, toàn huyện có 1 trung tâm Văn hoá thể thao cấp huyện, 4 trung tâm văn hóa thể thao xã đưa vào hoạt động và 7 xã đã và đang có chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa thể thao; 100% thôn, làng có nhà văn hoá; 100% các xã, thị trấn có điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi…

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được huyện quan tâm đầu tư. Tính đến nay, đã có 110 di tích trên địa bàn được xếp hạng trong đó 69 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 41 di tích xếp hạng cấp thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Hoài Đức đã bố trí nguồn vốn 421,956 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo đối với các di tích trên địa bàn huyện. Các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2022-2025 của huyện theo Nghị quyết số 02 ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố và Kế hoạch số 139 ngày 06/5/2022 của UBND Thành phố là 52 di tích với tổng vốn hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 là 453,2 tỷ đồng. Đến nay, nguồn kinh phí đã được bố trí là: 310,1 tỷ đồng; huyện đã và đang triển khai cải tạo, nâng cấp, tu bổ 25/48 di tích.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong và đoàn công tác thăm trường mầm non Hoa Sen trong ngày 28/12/2023 – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Các lễ hội truyền thống được huyện duy trì đáp ứng nhu cầu văn hoá của Nhân dân địa phương. Huyện đã có kế hoạch tổ chức Lễ hội Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi quy mô cấp huyện vào năm 2024. Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống được bảo tồn, phát huy giá trị. Hiện nay trên địa bàn huyện có 55 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê; có 02 Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống là: Câu lạc bộ Ca Trù Ngãi Cầu và câu lạc bộ nghệ thuật Tuồng thôn Ngự Câu với sự tham gia thường xuyên của trên 60 thành viên, trong đó có 02 Nghệ nhân nhân dân và 04 Nghệ nhân ưu tú. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn diễn ra sôi nổi, rộng khắp thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Về phát triển nguồn nhân lực, đến nay, huyện đã xây thêm 14 trường học mới; số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng 7 trường so với đầu nhiệm kỳ; 100% các trường công lập của huyện được đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị với tổng số kinh phí là 1.506 tỷ đồng. Hàng năm, Hoài Đức giải quyết việc làm cho gần 6.000 lượt lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 85,5%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp văn bằng chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 55,5%.

Tỷ lệ bao phủ BHYT của Hoài Đức đạt 93,4%. Tổng số tiền huyện đã đầu cho xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế đối với trạm cơ sở là 37,224 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Dự án nâng cấp, mở rộng bệnh viên đa khoa huyện quy mô 500 giường bệnh đã trình thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai thực hiện.

Về thực hiện xây dựng người Hoài Đức thanh lịch, văn minh, huyện đã tổ chức tốt các hoạt động bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật. Chú trọng nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử cũng như phát huy giá trị của hương ước, quy ước và các giá trị văn hoá truyền thống. Triển khai thực hiện 02 Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn, hàng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa các tiêu chí vào đánh giá các danh hiệu văn hoá. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn niêm yết được 405 bảng nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các khu vực đông dân cư, các di tích lịch sử văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi, trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Các hương ước, quy ước đã được 54 làng cổ xây dựng và đưa vào thực tế đời sống, trong đó 42 bản hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn hoá trong giai đoạn mới.

Đoàn đi khảo sát tại huyện Hoài Đức – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Bên cạnh đó, hiệu quả từ cuộc thi giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn tại Hoài Đức cũng góp phần không nhỏ trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người dân địa phương trong công tác vệ sinh môi trường. Bằng việc sáng tạo các mô hình như: Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh, thứ bảy, chủ nhật tình nguyện, mô hình nhà của pin, xây dựng tuyến đê nở hoa… cuộc thi đã tác động mạnh mẽ tới người dân, nâng cao ý thức trong việc thường xuyên tham gia quét dọn, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm; tích cực trồng hoa, cây cảnh, trang trí tranh tường… chỉnh trang cho cảnh quang thôn xóm ngày càng phong quang, sạch đẹp. Sau gần 2 năm triển khai Cuộc thi, đã có 136/136 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tham gia cuộc thi, đạt tỷ lệ 100% tổng số thôn trong toàn huyện; đã huy động Nhân dân tham gia trên 45.600 ngày công quét dọn vệ sinh, bóc, xóa biển quảng cáo, vẽ tranh tường bích họa; vận động các nguồn lực xã hội hóa, ủng hộ được trên 19,2 tỷ đồng để đầu tư lắp đặt dụng cụ TDTT, mua thùng rác, cây xanh, hoa cây cảnh, sơn, sửa, vẽ tranh tường bích họa… Tổng số tiền chi từ ngân sách để khen thưởng cho các thôn, xóm đạt giải từ cấp xã đến cấp huyện là gần 5 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ của Chương trình 06-CTr/TU, Hoài Đức tiếp tục tập trung vào các nội dung lớn như: Hoàn thành dự án bệnh viện đa khoa huyện với quy mô 500 giường bệnh để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn; hoàn thành khu công viên trung tâm của huyện với diện tích 18 ha làm cơ sở đáp ứng phục vụ cho đời sống văn hoá, tinh thần, tập luyện thể thao của người dân. Đồng thời, Hoài Đức tiếp tục đề xuất thành phố đầu tư xây dựng trường liên cấp chất lượng cao đầu tiên trên địa bàn huyện làm đầu tầu để dẫn dắt và thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Đây cũng là những nội dung để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ XXIV và hoàn thành Đề án xây dựng huyện thành quận đã được phê duyệt.

Thanh Thạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *