Văn hóa cơ sở

Huyện Phúc Thọ quan tâm phát triển văn hóa đọc

Nhằm phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong đó, việc phát triển hệ thống thư viện cơ sở được quan tâm, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, tạo nền tảng vững chắc cho văn hóa phát triển.

Để xây dựng văn hóa đọc trong Nhân dân, huyện Phúc Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc hằng năm; tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân, như: hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; triển lãm sách, báo; Ngày hội đọc sách; các Hội thi kể chuyện theo sách… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn thường xuyên đọc sách, báo và duy trì việc đọc báo, nhằm tạo thói quen, kỹ năng và phương pháp đọc hiệu quả.

Hoạt động luân chuyển sách tại các cơ sở xã, thị trấn

Năm 2022, Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) huyện Phúc Thọ phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc bằng hình thức trực tuyến, đăng tải các video giới thiệu sách lên trang fapage Trung tâm VHTT&TT với trên 80 video của các trường học trên địa bàn huyện tham gia. Huyện cũng tổ chức chương trình Ngày hội sách tại trường THCS Trạch Mỹ Lộc nhân kỷ niệm Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4); Tổ chức Hội thi Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè huyện Phúc Thọ với 17 đơn vị tham gia; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thư viện cho 120 cán bộ làm công tác thư viện trường học, thủ thư tủ sách làng văn hóa, hướng dẫn cơ sở xây dựng các tủ sách tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Năm 2023, Hội thi Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè huyện Phúc Thọ với chủ đề “Tự hào Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến” có sự tham gia của 19 trường TH và THCS trong toàn huyện.

Hội thi Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè huyện Phúc Thọ năm 2023.

Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện từ huyện xuống cơ sở là một nhiệm vụ được huyện quan tâm triển khai. Hằng năm, huyện đã dành kinh phí để bổ sung nguồn sách, phát triển thư viện, đã mua bổ sung các sách báo thuộc nhiều lĩnh vực như: chính trị, văn hóa, kinh tế, nông nghiệp, văn học, biển đảo, thiếu nhi,…Trung tâm VHTT&TT huyện cũng quan tâm hướng dẫn các địa phương cách sắp xếp, trưng bày sách, báo; phối hợp với Thư viện Hà Nội luân chuyển hơn 2400 đầu sách cho các tủ sách làng văn hóa và các trường học trên địa bàn huyện. Tổ chức 9 điểm thư viện lưu động phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân, đặc biệt là các em thiếu nhi dịp hè đã thu hút gần 9000 lượt bạn đọc.

Các thư viện, tủ sách thường xuyên thống kê số lượng, chủng loại sách; luân chuyển giữa các đơn vị. Tại các nhà văn hóa thôn, phần lớn các tủ sách được mở cửa. Người dân thường tra cứu thông tin, đọc sách vào buổi sáng hoặc chiều trước hoặc sau lúc luyện tập thể dục thể thao, hoặc trước lúc hội họp. Để việc luân chuyển sách đạt hiệu quả cao, cán bộ thủ thư và cán bộ văn hóa xã đã khảo sát nhu cầu của người dân, luân chuyển những cuốn sách mới, hay thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân. Nhiều địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của việc đọc sách, văn hóa đọc trong các buổi sinh hoạt thôn, hội, nhóm để người dân biết và đến đọc, mượn sách tại các thư viện, tủ sách ở các làng.

Phát triển văn hóa đọc trong các trường học

Không chỉ phát huy hiệu quả văn hóa đọc từ các thư viện, tủ sách tại cơ sở mà việc phát triển văn hóa đọc tại các trường học cũng được thực hiện hiệu quả. Hiện tại, trên địa bàn huyện 100% các trường xây dựng thư viện trường với nguồn tài liệu đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu tra cứu, học tập, bổ sung kiến thức của giáo viên và học sinh. Hầu hết các trường đều sắp xếp thời gian đọc sách tại thư viện, mượn sách cho học sinh trong trường. Từ đó, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, kỹ năng đọc, hình thành văn hóa đọc ngay trong nhà trường.

Cùng với những kết quả đạt được, việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như cơ sở vật chất ở một số thư viện, tủ sách tại các địa phương còn thiếu, các đầu sách chưa nhiều, chưa phong phú về thể loại. Đối tượng đọc sách hiện nay có xu thế lựa chọn những thông tin ngắn gọn, tiếp cận nhanh chóng ở mọi nơi, mọi lúc. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên với những hoạt động thiết thực, bổ ích, huyện Phúc Thọ đang từng bước xây dựng văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, xây dựng xã hội học tập.

PT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *