Văn hóa cơ sở

Huyện Ứng Hòa quan tâm phát triển văn hóa đọc

Trên địa bàn huyện đã ra mắt được 64 mô hình Nhà văn hóa tự quản ở các thôn, tổ dân phố trên địa bàn Huyện, mỗi Nhà văn hóa tự quản đều thành lập 01 tủ sách cơ sở. Các tủ sách cơ sở các thôn, tổ dân phố đã vận động và tiếp nhận trên 7.000 cuốn sách do những người con quê hương hiến tặng, góp phần làm phong phú, đa dạng các đầu sách của thôn…

Nhiều năm qua, song song với phát triển kinh tế, huyện Ứng Hòa đã rất quan tâm đến văn hóa – xã hội, trong đó có việc giữ gìn, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3/2017, UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 30/3/2020 về Phát triển văn hóa đọc trên địa bàn huyện Ứng Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt ngày 27/11/2017, UBND huyện đã triển khai thực hiện Đề án số 01/ĐA-UBND về “Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động Nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện Ứng Hòa từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 16/01/2018 về Xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tự quản tại Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Theo đó, hằng năm UBND huyện Ứng Hòa đã hỗ trợ kinh phí triển khai ra mắt mô hình tự quản tại Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Mỗi nhà văn hóa tự quản phải có 01 tủ sách cơ sở để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

64 Nhà văn hóa tự quản đều có tủ sách

Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, Đề án đã tạo tiền đề cho sự phát triển của phong trào văn hóa, văn nghệ và đặc biệt là mở ra phong trào đọc sách (Văn hóa đọc) cho Nhân dân trên địa bàn huyện; đáp ứng nhu cầu tại cộng đồng dân cư, giúp gắn kết tình đoàn kết trong thôn, phố.

Từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay trên địa bàn huyện đã ra mắt được 64 mô hình Nhà văn hóa tự quản ở các thôn, tổ dân phố trên địa bàn Huyện, mỗi Nhà văn hóa tự quản đều thành lập 01 tủ sách cơ sở. Nhằm triển khai có hiệu quả Đề án, UBND huyện đã bố trí kinh phí mua sắm thiết chế văn hóa cho các Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để ra mắt các Nhà văn hóa tự quản như: Tủ sách, giá sách, sách, pano khẩu hiệu tuyên truyền về đọc sách, hệ thống bàn, ghế, trang âm hội trường Nhà văn hóa…Trong 5 năm qua, số kinh phí hỗ trợ là 6.176.660.000 đồng (Sáu tỷ một trăm bảy mươi sáu triệu sáu trăm sáu mươi nghìn đồng).

Tiếp tục duy trì 04 tủ sách luân chuyển theo chương trình của thư viện Thành phố và triển khai đăng ký thêm các tủ sách luân chuyển tại các mô hình nhà văn hóa tự quản triển khai thực hiện theo Đề án số 01 của UBND huyện để làm phong phú các loại sách cho tủ sách cơ sở, thu hút thêm nhiều bạn đọc đến với tủ sách cơ sở.

Một buổi tập huấn nghiệp vụ thư viện, phát triển văn hóa đọc 

Các tủ sách cơ sở duy trì đều đặn mở cửa 1 đến 2 buổi/tuần. Bạn đọc chủ yếu là các em thiếu nhi và người cao tuổi của thôn, tổ dân phố. Các tủ sách cơ sở các thôn, tổ dân phố đã vận động và tiếp nhận trên 7.000 cuốn sách do những người con quê hương hiến tặng, góp phần làm phong phú, đa dạng các đầu sách của thôn, tiêu biểu như thôn Đông Dương – xã Tảo Dương Văn, thôn Cao Lãm – xã Cao Thành, thôn Đống Vũ – xã Trường Thịnh, thôn Miêng Hạ xã Hoa Sơn…Mỗi Nhà văn hóa tự quản được trang bị 01 bộ máy tính để góp phần đưa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc tra cứu, phát triển văn hóa đọc trên hệ thống mạng.

Cùng vào cuộc giữ gìn, phát triển văn hóa đọc, các nhà trường trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì  hiệu quả thư viện, biến nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy để các em học sinh tìm hiểu kiến thức và cũng là nơi nuôi dưỡng, rèn luyện thói quen đọc sách. Đồng thời hàng năm, tổ chức phát động phong trào đọc sách báo trong giáo viên, học sinh. Phối hợp với Thư viện Hà Nội thực hiện luân chuyển sách cho các tủ  sách cơ sở góp phần làm phong phú hơn số lượng sách báo, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Để văn hóa đọc phát triển, huyện tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc, qua đó định hướng và thúc đẩy xu hướng, hình thành thói quen lành mạnh trong xã hội tại các thư viện trường học, tủ sách cơ sở. Vận động xây dựng văn hóa đọc từ trong mỗi gia đình, dòng học, khu dân cư, nhà trường…Đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách cơ sở thôn, tổ dân phố. Tổ chức các hoạt động về văn hóa đọc như: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4, tuyên truyền giới thiệu sách, phối hợp với Thư viện Thành phố tổ chức thư viện lưu động… góp phần đưa sách tới gần hơn các tầng lớp Nhân dân để từ đó lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng…

Với nhiều biện pháp, huyện Ứng Hòa  đã giữ gìn, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng một xã hội học tập, xây dựng người Ứng Hòa thanh lịch, văn minh.

Phú An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *